Với người dân ở nhiều quốc gia châu Á, bữa ăn ngày đầu năm mới rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần là bữa cơm đoàn viên khi cả nhà quây quần bên nhau, nhiều món ăn còn trở thành biểu tượng được coi là "điềm may mắn" giúp gia chủ có một năm gặp nhiều sung túc, may mắn.
Hãy khám phá những nét văn hóa thú vị của nhiều quốc gia châu Á qua những món ăn cổ truyền.
Trung Quốc: Các món cá, sủi cảo, mỳ trường thọ
Vào ngày đầu tiên của năm mới, trên bàn tiệc của người Hoa khắp thế giới không thể thiếu những món ăn được đánh giá "siêu may mắn". Đó là các món cá, sủi cảo hấp và mỳ trường thọ.
Bàn tiệc sung túc đủ món cho ngày đầu năm của người Trung Quốc
Trong ngày cuối năm, mọi người trong gia đình cùng tụ họp, nặn những viên sủi cảo nhỏ xinh. Chúng có vỏ ngoài bằng bột mỳ, bên trong nhân thịt mặn được hấp chín, ăn kèm xì dầu và giấm đen.
Do có hình dáng gần giống những nén bạc, mang ý nghĩa giàu có sung túc nên người Hoa sẽ thưởng thức vào ngày đầu năm với mong muốn gia đinh phát tài lộc, gặp nhiều may mắn.
Bên cạnh đó là món cá. Theo phiên âm tiếng Trung, cá (yu) phát âm giống từ "dư" trong "dư thừa". Với ý nghĩa này, người dân hi vọng ăn cá sẽ có một năm đủ đầy.
Món mỳ trường thọ mang ý nghĩa về sức khỏe, trường thọ sống lâu
Tương tự như vậy, ngoài tiền bạc và may mắn dư thừa, sức khỏe cũng là yếu tố rất quan trọng. Và món mỳ trường thọ chính là biểu tượng cho lời chúc sức khỏe, sống thọ vào dịp đầu năm. Món mỳ chỉ có một sợi duy nhất chưa được cắt ra. Quan niệm Trung Hoa tin rằng chiều dài của sợi mỳ tượng trưng cho tuổi thọ.
Nhật Bản: Những hộp "Osechi ryori" cầu kỳ và tinh tế
Hiện nay, người Nhật Bản đã chuyển sang đón tết Dương lịch như phương Tây và không đón tết Nguyên đán nữa. Dù vậy, người dân vẫn lưu lại các nghi thức phong tục theo truyền thống từ xa xưa và những món ăn cổ truyền.
Vào ngày đầu năm, người Nhật sẽ thưởng thức "Osechi ryori". Đó là khay đựng thức ăn rất phong phú, được nấu theo nhu cầu từng gia đình và mang nhiều ý nghĩa. Thức ăn trong hộp sẽ sắp xếp theo quy tắc, gồm tầng đầu tiên là món hầm, luộc và khai vị; tầng 2 sẽ là món nhẹ và tầng cuối là món chính, món hầm nước.
Những hộp "Osechi ryori" được người Nhật chuẩn bị rất công phu và tỉ mỷ
Không chỉ đem đến sự may mắn cho năm mới, Osechi còn là món ăn thể hiện được linh hồn và cốt cách người Nhật Bản. Mỗi hộp "Osechi ryori" như thế không chỉ có tính thẩm mỹ cao, còn thể hiện sự tinh tế của người nấu trong từng công đoạn chế biến.
Malaysia: Yee Sang - Gỏi cá thịnh vượng
Yee Sang - Món ăn mang lại may mắn trong Năm mới ở Malaysia. Trong khi đó, người Hoa ở Singapore lại gọi món này là Yu Sheng. Đây là món ăn được đánh giá bắt mắt cả màu sắc và hương vị.
Món gỏi cá thịnh vượng của người Malaysia
Thực chất, món ăn gồm những lát cá sống thái mỏng (thường là cá hồi kiểu sashimi hoặc cá thu). Cá tượng trưng cho sự dư thừa, dư dả. Món ăn kèm thêm nhiều rau củ thái nhỏ như bưởi tượng trưng cho đại lợi, cà rốt là may mắn, củ cải biểu tượng tài lộc, dưa chuột mang ý nghĩa tuổi trẻ, sức khỏe...
Khi ăn, người thưởng thức sẽ cùng nhau hất các nguyên liệu lên cao
Khi thưởng thức, người dùng sẽ trộn đều các nguyên liệu rồi "gẩy" lên thật cao. Những động tác "gẩy" có ngụ ý "thuận buồm xuôi gió" và cần sự phối hợp ăn ý của các thành viên, tránh để nguyên liệu rơi vãi ra ngoài.
Mông Cổ: Các loại bánh bột và những món chế biến từ sữa ngựa
Bàn tiệc ngày đầu năm của người Mông Cổ sống trên thảo nguyên không thể thiếu thịt cừu và sữa ngựa. Trong đó, thịt cừu sẽ được chế biến thành nhiều món ngon, còn sữa ngựa sẽ lên men để thưởng thức.
Người Mông Cổ chú trọng các món ăn làm từ sữa ngựa
Để chào mừng năm mới, người Mông Cổ có phong tục mặc đồ trắng, cưỡi bạch ngựa, thưởng thức bữa ăn với các món may mắn và trao đổi nhau những quà tặng màu trắng với ý nghĩa nhiều tốt lành trong ngày đầu năm.
Theo Dân trí