Phở Le có hương vị phở Sài Gòn, đã tồn tại 25 năm trên đất Mỹ
Sang Mỹ vài lần, tôi được bạn bè lái xe đưa đi ăn phở, món điểm tâm yêu thích của bà con Việt kiều. Từng đến ăn ở các quán phở Việt tại các thành phố San Francisco, Philadelphia và Boston, nên khi nghe giới thiệu quán phở tại Chicago ngon tuyệt, tôi phải tìm đến ngay.
Vị phở Sài Gòn trên đất Mỹ
Quán phở Le ở Chicago, phần đông là khách quen. Ảnh: Đức Liên
Quán phở Việt này nằm ngay cổng chính của TaiNam Food Market (bà con quen gọi là khu chợ người Việt ở Chicago), khá dễ tìm khi tôi đi xe Lyft (giống như xe Uber) từ trung tâm Chicago, mất khoảng 20 phút, thay vì đi xe lửa 33 phút dù giá vé rẻ hơn. Quanh khu chợ Việt này có nhiều cửa hàng ăn uống như bánh mì BaLe, bánh bao Chu Quon, nhưng mấy ngày liền ở khách sạn chỉ được ăn sáng bằng bánh mì, thịt nguội, vài món điểm tâm khô khan, nên có dịp đi ăn phở Việt, tôi phải lên đường ngay!
Vào quán, tôi nghe khách gọi “tô xe lửa”, tô lớn nhất, nhưng sức tôi ăn ít nên chỉ dám gọi tô nhỏ. Tại Mỹ tô phở to gấp hai, ba lần tô phở trong nước, giá từ 9 - 11 USD.
Ít phút sau, một tô phở nóng nhìn thiệt hấp dẫn cùng đĩa giá, rau húng, lát chanh đã bày ra bàn trước mặt tôi. Vài miếng thịt bò, hành tây và hành lá nổi trên bề mặt tô phở, chưa ăn đã thấy ngon miệng.
Tô phở nhỏ vừa ăn với người Việt, giá 9,8 USD. Ảnh: Đức Liên
Phở ở Mỹ hầu hết do bà con ở miền Nam và Sài Gòn sang định cư mở quán nên khẩu vị hợp với người Nam bộ, nghĩa là phở nấu luôn có vị ngọt, một chút nước béo và nước dùng không trong như phở Hà Nội.
Tôi ăn chậm để tìm điểm khác biệt giữa phở nấu ở Mỹ với Việt Nam. Gắp đũa đầu tiên, rồi nếm qua nước lèo, tôi cảm nhận hương vị tựa như các quán phở ở Sài Gòn tôi hay ăn, cảm giác vừa miệng, bánh phở tươi và nhất là thịt bò Mỹ, không thể chê vào đâu. Bò Mỹ được chăn nuôi bằng bắp và cỏ Mỹ, chất lượng dĩ nhiên ngon hơn cả bò Úc, vì lẽ đó thực khách hay gọi phở tái hoặc tái nạm để thưởng thức.
Không thiếu món ăn gì
“Quán Le mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa 22 giờ hàng ngày, quán đông khách từ 12 giờ trưa”, nhân viên phục vụ bàn tên là Bảo cho tôi biết như vậy. Hỏi han vài câu, Bảo kể, cháu 18 tuổi, quê ở Bạc Liêu, mới qua đây phụ việc chưa đầy một năm. Tôi nhìn quanh, ước chừng trong quán có khoảng 15 chiếc bàn, dường như đều là khách quen. Bên kia bàn là một gia đình bốn người, anh chồng là người Mỹ đang ăn phở với vợ con, cầm đũa khá quen thuộc.
Thực khách nước ngoài cầm đũa ăn phở rất thành thạo. Ảnh: Đức Liên
Một khách nữ nói chuyện với chủ quán bằng giọng thân mật “dì Ba, cho con một dĩa cơm tấm, một tô bánh canh nhen”. Dì Ba đi lại điều hành trong quán và ghi giấy cho nhà bếp chế biến. Tôi chào hỏi và làm quen với dì Ba lúc tính tiền. Nhìn dì khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, tôi đoán dì dưới 70 tuổi, dì Ba cười và cho biết năm nay đã 73 tuổi rồi. Dì kể, tên thật là Hồng, trước khi sang Mỹ định cư, gia đình dì sống ở Q.4 (TP.HCM), quán phở Le do dì làm chủ đã tồn tại được 25 năm.
Dì Ba Hồng, 73 tuổi, chủ quán phở Le rạng rỡ khi được khen vị phở giống phở Sài Gòn. Ảnh: Đức Liên
Hiện giờ phở Le có 6 người phục vụ, toàn là nam, bếp chính tên Dũng qua Mỹ khoảng 10 năm, được dì truyền nghề, rồi nhận làm con nuôi. Tôi nhìn vào bên trong bếp thấy sạch sẽ, vệ sinh và ngăn nắp. Dì Ba nói rằng, tất cả nguyên liệu, thực phẩm chế biến như bánh phở, rau, giá, đến các thức ăn hàng ngày của người Việt bây giờ đều có hết ở Mỹ. Nghe tôi khen phở Le nấu ăn ngon không thua gì mấy quán phở tại Sài Gòn, dì Ba rạng rỡ hẳn.
Ngồi trong quán phở Việt này, tôi thấy mình như đang ăn sáng trong một quán quen nào đó ngay Sài Gòn, có khác chăng nơi này là khu chợ người Việt bên Chicago. Giờ này, Chicago 10 giờ sáng, ở quê nhà đã 22 giờ đêm.
Theo thanhnien.vn