Cháo độc Hà Giang
Món ăn nghe có vẻ lạ tai nhưng lại được xem là đặc sản của người Mông ở Hà Giang. Sở dĩ gọi đây là món “cháo độc” bởi món ăn được chế biến từ củ ấu tẩu là loại củ có độc mọc trên vùng núi cao biên giới phía Bắc.
Món cháo ấu tẩu hay còn gọi là cháo độc là đặc sản ở Hà Giang
Hàm lượng độc của ấu tẩu nếu vượt quá có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, người Hà Giang lại có cách chế biến khiến nó trở thành món đặc sản quý, có tác dụng chữa bệnh và có hương vị rất hấp dẫn.
Sở dĩ gọi đây là món “cháo độc” bởi món ăn được chế biến từ củ ấu tẩu là loại củ có độc mọc trên vùng núi cao biên giới phía Bắc
Thông thường, trước khi nấu, người dân vùng cao Tây Bắc thường ngâm ấu tẩu trong nước gạo đặc, sau đó ninh nhừ khoảng 4 - 5 tiếng cho chất độc tiết ra hết.
Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người ta dùng thìa múc ra một lượng nhỏ nếm thử, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, nếu không thấy tê đầu lưỡi thì có nghĩa là cháo đã được nấu xong và có thể múc ra ăn ngay.
Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Theo kinh nghiệm của những người bán cháo ấu tẩu lâu năm ở Hà Giang, khi nấu cháo, tuyệt đối không được nấu bằng nồi áp suất. Nếu nấu bằng nồi áp suất thì ấu tẩu sẽ nhanh nhừ nhưng lượng độc tố có trong củ lại không phân hủy được hết, dễ gây ngộ độc cho người dùng.
Cá nóc
Cá nóc thuộc lớp cá vây tia, với đặc tính đẩy ra những lớp gai khi ở trạng thái phòng ngự. Đây là loài cá sống ở khu vực nước mặn, quanh các khu vực bãi đá san hô ngầm vùng nhiệt đới. Loại cá này có tính độc mạnh, gây chết người khi ăn nếu không được chế biến đúng cách.
Độc tố của cá nóc có thể gây nguy hiểm cho người ăn
Ở Việt Nam đã thống kê được hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố trong cá nóc rất độc, chỉ từ 1-2mg có thể gây chết người.
Tại Nhật Bản, một suất sashimi cá nóc có thể lên đến 200 USD cho 8 miếng tại những nhà hàng sang trọng
Thông thường, cá nóc thường được chế biến bằng cách lọc thịt cá nóc còn tươi nguyên. Chọn phần thịt cá không có độc, thái thành miếng mỏng và ăn như sashimi.
Cách chế biến cá nóc vô cùng khó và chỉ một số đầu bếp trên thế giới mới đủ khả năng chế biến món ăn này.
Tiết canh
Theo quan niệm của người Việt, tiết canh có tác dụng bồi bổ khí huyết. Nguyên liệu của món ăn này là tiết động vật tươi được pha với nước mắm, hành hoa và trộn với phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Khi ăn có thể ăn kèm với chanh và rau sống.
Món ăn này được các chuyên gia Y tế khuyến cáo không nên ăn vì có khả năng lan truyền virut cúm gia cầm và các bệnh dịch nguy hiểm khác. Đặc biệt, với cách ăn sống huyết tươi của con vật, món ăn này của Việt Nam cũng lọt top các món ăn "kinh dị" bậc nhất trên thế giới. Nhiều du khách quốc tế cho biết, họ không đủ can đảm để nếm thử.
Cá mặt quỷ
Cá mặt qủy là một loài cá nước mặn thường sinh sống tại những vùng nước nông dọc bờ biển. Chúng có vẻ ngoài xấu xí đến đáng sợ, với khả năng ngụy trang tài tình, trông không khác gì một tảng đá nên còn có một tên gọi khác là cá đá.
Khác với vẻ ngoài xấu xí, thịt của cá mặt quỷ ăn rất hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau
Khác với vẻ ngoài gớm ghiếc, thịt của cá mặt quỷ ăn rất ngon. Trên thị trường, cá mặt quỷ được xem là đặc sản, được chào bán với giá đắt đỏ từ 700-1,6 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, cá mặt quỷ có 13 tia vây lưng chứa độc tố và độc có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết. Khi đâm vào thịt nạn nhân, độc tố sẽ tác động trực tiếp đến hệ cơ vận động, hệ thần kinh và hệ cơ trơn của tim ở người. Chính vì thế, việc chế biến loại cá này đòi hỏi khá nhiều công phu và người đầu bếp phải thật sự khéo léo. Trước hết để lọc bỏ lớp da sần sùi, người đầu bếp phải nhẹ nhàng lách mũi dao giữa da cá và thịt cá để giữ nguyên khối thịt cá bên trong.
Nhộng ve sầu
Không chỉ là món ăn độc lạ, nhộng ve sầu còn được cho là chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trên thị trường, nhộng ve sầu được bán với giá từ 500-600 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu không chế biến đúng cách, món ăn này dễ gây ngộ độc cho thực khách.
Nếu không chế biến đúng cách, nhộng ve sầu dễ gây ngộ độc cho người dùng
Các chuyên gia cho biết, bản thân ấu trùng ve không gây độc cho con người. Tuy vậy, do sống dưới đất, ấu trùng dễ nhiễm nấm độc. Bào tử nấm phát triển, giết chết ấu trùng khiến nhộng trở thành một ổ độc tố.
Ngoài ra, nhộng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa không thích hợp. Môi trường đất cũng tạo cơ hội cho kí sinh trùng bám vào nhộng. Việc ăn sống có thể khiến kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người do cơ thể chứa nhiều protit. Nhộng chết có thể sinh ra nhiều độc tố gây hại.
Hiệp Nguyễn, dantri.com.vn