Ẩm thực

Singapore: Văn hóa bán hàng rong

16:36 - 12/02/2019
Chính phủ Singapore đang nỗ lực để văn hóa ẩm thực và những khu ẩm thực hàng rong "hawker" có tên trong danh sách Di sản phi vật thể của UNESCO.

Burnt Ends, thuộc sở hữu của đầu bếp David Pynt, là nhà hàng thịt nướng ở Singapore được gắn sao Michelin. Cách đây 6 năm, vị đầu bếp này tới Singapore và ngay lập tức bị hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực đường phố của quốc đảo này. Kể từ đó, anh muốn có một không gian tương tự như vậy của riêng mình và Burnt Ends ra đời.

Tháng 2 này, đầu bếp 34 tuổi người Australia đã mở cửa nhà hàng BBQ Meatsmith Western tại trung tâm Makansutra Gluttons Bay Hawker nổi tiếng. Với anh, trung tâm này là linh hồn của Singapore, là nơi hòa quyện của các nền văn hóa, là nơi hội tụ của những món ăn tuyệt vời, và là một phần của trung tâm chắc chắn là điều vô cùng đặc biệt.

Văn hóa bán hàng rong không còn xa lạ gì ở Singapore. Năm 2017, một gian hàng cơm gà đã trở thành gian hàng bán rong đầu tiên nhận sao Michelin. Nhắc đến những nhà hàng được trao tặng ngôi sao ẩm thực Michelin danh giá, người ta thường nghĩ ngay đến những địa điểm đắt đỏ, vì thế việc một gian hàng bán rong của Singapore được nhận ngôi sao này là điều hiếm thấy.

Văn hóa bán hàng rong đã phổ biến ở Singapore trong hơn 200 năm. Người bán hàng thường đi trên đường bằng phương tiện của họ, cung cấp cho người dân những bữa ăn nhanh với giá cả phải chăng. Tới những năm 1960, chính phủ nước này quyết định tập hợp những người bán hàng rong trên phố vào các trung tâm để đảm bảo vệ sinh và phù hợp hơn. Trung tâm Hawker đầu tiên ra đời từ đó. 

Từ nhiều năm qua, món ăn từ những gian hàng bán rong đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Singapore. Ban đầu, nó chỉ phục vụ các món ăn Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Á- Âu. Sau phát triển hơn, với đa dạng các món ăn quốc tế hơn.

Rõ ràng nhận thấy rằng, đang có nhiều làn sóng mới du nhập vào văn hóa bán hàng rong của Singapore. Nhưng dù có pha trộn thế nào, thì đó vẫn là tình yêu của người dân với ẩm thực và bản sắc của đất nước họ, đưa nét văn hóa này trở thành Di sản phi vật thể của UNESCO.

Lương Trang – theo CCTV