Cẩm nang du lịch

10 lời khuyên hữu ích giúp bà bầu có chuyến du lịch an toàn

09:23 - 16/07/2021
Trong quá trình mang bầu, các bà mẹ vẫn có thể tận hưởng chuyến du lịch cùng gia đình, bạn bè. Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để giúp chuyến đi của mẹ bầu thoải mái và an toàn hơn.

Chọn thời gian phù hợp

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều bà bầu có thể bị buồn nôn và ốm nghén. Trong tam cá nguyệt thứ ba, bụng bầu đã lớn hơn và cơ thể mẹ bầu bắt đầu nặng nề khi di chuyển. Do đó, tam cá nguyệt thứ hai thường là thời điểm tốt nhất để mẹ bầu đi du lịch. Đây không phải là quy tắc bất di bất bất dịch và mỗi lần mang thai có thể khác nhau. Nhưng tam cá nguyệt thứ hai thường là giai đoạn dễ dàng, an toàn nhất để các mẹ bầu đi du lịch lần cuối trước khi em bé chào đời.

Tam cá nguyệt thứ hai thường là giai đoạn dễ dàng, an toàn nhất để các mẹ bầu đi du lịch. Nguồn: Pexels

Chọn điểm đến một cách cẩn thận

Với mẹ bầu, chọn điểm đến an toàn là điều vô cùng quan trọng. Điểm đến an toàn có nghĩa là nơi đó có nước uống an toàn, chất lượng không khí tốt, ít nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm... Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng điểm đến đó là an toàn cho mẹ bầu. Một lưu ý khác đó là tránh đi du lịch đến các quốc gia mà du khách bắt buộc phải tiêm phòng vì điều này rất bất lợi cho phụ nữ đang mang thai.

Mang đồ ăn nhẹ, đồ uống lành mạnh

Dù di chuyển bằng ô tô, máy bay, hay tàu hỏa, điều quan trọng là luôn có sẵn một số đồ ăn nhẹ và đồ uống lành mạnh cho mẹ bầu. Phụ nữ mang thai hay bị đói và có nhiều khả năng bị mất nước nghiêm trọng, vì vậy phải chuẩn bị sẵn những thứ mẹ bầu cần. Bên cạnh đó, bà bầu sẽ cần sử dụng phòng vệ sinh thường xuyên hơn, vì vậy nên yêu cầu một chỗ ngồi gần lối đi trên máy bay và cần chắc chắn về thời gian đến điểm dừng tiếp theo.

Trước khi lên đường du lịch, mẹ bầu cần thử đồ bơi và các trang phục khác. Nguồn: Pexels

Hành lý nhẹ nhất có thể

Bà bầu thường mệt mỏi trong thai kỳ, lại càng dễ mệt mỏi hơn khi đi du lịch. Hãy đóng gói đồ đạc càng nhẹ càng tốt, giúp mẹ bầu không phải kéo một chiếc vali nặng nề và không phải giặt nhiều đồ khi trở về. Điều quan trọng là mẹ bầu phải được thư giãn và giảm thiểu những căng thẳng. Trước khi lên đường du lịch, mẹ bầu cần thử đồ bơi và các trang phục khác, tránh phải gò bó trong những bộ đồ đột nhiên quá nhỏ so với cơ thể.

Vận động thường xuyên

Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị đông máu cao hơn nhiều khi ngồi liên tục trong thời gian dài. Mẹ bầu sẽ an toàn và cảm thấy dễ chịu hơn nếu chị em giãn cơ và di chuyển xung quanh thường xuyên nhất có thể. Chẳng hạn như nếu gia đình bạn đang trong chuyến du lịch bằng đường bộ bằng xe ô tô (road trip) thì thường xuyên giãn cơ khi ngồi trong xe ô tô, đi bộ vài phút ở khu vực nghỉ ngơi sẽ hữu ích cho sức khỏe mẹ bầu.

Mang theo hồ sơ y tế 

Hồ sơ y tế sẽ giúp những người nhân viên cấp cứu và bác sĩ nắm được tình trạng y tế, dị ứng nào của người đó trong tình huống khẩn cấp. Nếu mẹ bầu không thể cung cấp thông tin y tế của mình vì lý do nào đó, điều quan trọng là những người chăm sóc, cứu chữa phải biết về tình trạng mang thai, hồ sơ y tế hay liệu mẹ bầu có bị dị ứng với các loại thuốc nào hay không. 

Mang theo bộ vật dụng y tế

Thông thường, khách du lịch hay mang theo vật dụng y tế với các loại thuốc thông dụng. Với mẹ bầu, có thể cần bổ sung một số vật dụng như vòng tay chống buồn nôn, hay viên uống bổ sung vitamin tổng hợp... Do đó, nên dành thời gian chuẩn bị bộ vật dụng y tế du lịch và suy nghĩ về những thứ mẹ bầu có thể cần trong chuyến đi, đặc biệt nếu gia đình bạn đi du lịch nước ngoài và không chắc sẽ có sẵn những loại thuốc cần thiết.

Trong chuyến du lịch, mẹ bầu nên lựa chọn các hoạt động phù hợp. Nguồn: Pexels

Chọn các hoạt động an toàn

Trong chuyến du lịch, nên lựa chọn các hoạt động phù hợp với mẹ bầu. Tránh các hoạt động khiến mẹ bầu có nguy cơ trượt ngã như trượt tuyết, trượt nước, lướt ván... Bà bầu cũng cần tránh lặn biển bằng bình dưỡng khí vì bọt khí có thể hình thành trong máu và chuyển sang em bé. Các trò chơi trong công viên giải trí và đường trượt nước cũng cần được loại bỏ vì chúng tăng tốc độ và dừng đột ngột. Mẹ bầu cũng nên tránh xa bồn tắm nước nóng và phòng xông hơi vì nhiệt độ quá cao sẽ không tốt cho em bé. Một cuộc gọi cho bác sĩ sẽ giúp bạn biết hoạt động nào đó trong chuyến du lịch có an toàn hay không.

Nghỉ ngơi thường xuyên

Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hơn so với bình thường, vì vậy những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn và gác chân thường xuyên sẽ giúp ích cho chị em. Cần nghỉ ngơi bất cứ khi nào khi mẹ bầu cảm thấy mệt, giúp mẹ bầu thoải mái và ít căng thẳng hơn trong chuyến đi. Nghỉ ngơi ngắn, một chút đồ ăn nhẹ và một chút nước sẽ giúp mẹ bầu sẵn sàng tiếp tục hành trình.

Mua bảo hiểm du lịch

Nói chung, bảo hiểm du lịch không bao gồm bảo hiểm cho việc mang thai và sinh con, vì mang thai được coi là tình trạng y tế có từ trước khi mua bảo hiểm. Do đó, trường hợp này không được bảo hiểm, nhưng bạn đừng lo lắng, mẹ bầu vẫn nhận được bảo hiểm y tế khi du lịch.

Mặc dù hầu hết các chương trình bảo hiểm du lịch sẽ không chi trả cho việc mang thai, nhưng mẹ bầu sẽ được bảo hiểm cho các chi phí y tế do hậu quả của các biến chứng của thai kỳ. Ví dụ, nếu mẹ bầu bị mất nước nghiêm trọng do ốm nghén khi mang thai và phải đến bệnh viện để điều trị thì chi phí y tế đó sẽ được chi trả, vì đây là biến chứng của thai kỳ. Bạn phải chắc chắn rằng bảo hiểm sẽ chi trả cho các biến chứng của thai kỳ, vì vậy hãy đọc kỹ các điều khoản trước khi mua.

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm các tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV