Myanmar là đất nước cổ kính, với những di tích tôn giáo mang tính quy mô và tinh tế về kiến trúc. Tiêu biểu là chùa vàng Shwedagon ở Yangon, chùa Núi Vàng Kyaikhtiyo kỳ diệu ở cố đô Bago; quần thể 3.822 di tích còn sót lại, bao gồm các đền thờ, tu viện ở thành cổ Bagan. Ngoài ra, du lịch Myanmar còn thu hút khách du lịch nước ngoài bởi cảnh thiên nhiên hoang sơ, thanh bình của hồ Inle, bãi biển Ngapali, hay những văn hóa độc đáo của bộ tộc người cao cổ Pa-O hay tục bôi kem Thanaka.
Phương tiện di chuyển tốt nhất đến Myanmar vẫn là máy bay, giá vé dao động từ 3,2 đến 7,5 triệu đồng/khứ hồi cho hai tuyến Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Yangon, tùy từng thời điểm bay. Nếu muốn chuyến bay nhanh chóng, bạn nên bay Vietnam Airlines mặc dù giá đắt hơn. Còn nếu tiêu chí quan trọng nhất của bạn là tiết kiệm ngân sách thì hãy bay Air Asia để có chuyến du lịch Myanmar hợp túi tiền nhất.
Ngoài đường hàng không là an toàn và thoải mái nhất, bạn cũng có thể di chuyển giữa các tỉnh thành của Myanmar bằng xe buýt. Nhớ đem theo áo ấm vì có những chuyến xe chạy đêm nên rất lạnh. Taxi là phương tiện di chuyển tiện lợi trong các thành phố. Trong khi đó, hệ thống xe lửa xuống cấp và đường phố chưa phát triển đầy đủ khiến cho các phương tiện này không phù hợp cho khách du lịch thông thường.
Myanmar sử dụng đồng Kyats, để thuận tiện cho việc đổi tiền, bạn có thể mang theo USD, tỷ giá thay đổi theo thời gian thực tế. Đến sân bay, sau khi làm thủ tục nhập cảnh, đổi tiền thì nên mua sim. Sẽ có loại 8.5 GB data 3G/4G kèm nghe gọi với giá 8.500 Kyats (khoảng 125.000 đồng).
Thời điểm thích hợp để đến Myanmar du lịch là vào mùa thu, từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm, ít mưa, khí hậu ôn hòa. Những mùa còn lại thường mưa khá nhiều và kéo dài. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, giá khách sạn hay các dịch vụ khác sẽ tăng, khá đắt đỏ. Điểm thuận tiện khi đến Myanmar là công dân trong khu vực Đông Nam Á sẽ không cần xin visa khi đi du lịch.
Sau hơn hai thập kỷ được đề cử, mới đây, thành cổ Bagan vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 thành viên đã đưa ra quyết định này tại một cuộc họp ở Baku, Azerbaijan, dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Di tích Quốc tế (ICOMOS). Như vậy, Bagan đã trở thành quần thể thứ hai của Myanmar được công nhận.
Từ lâu, Bagan đã nổi tiếng như một điểm đến được ưa thích của khách du lịch. Với danh hiệu được UNESCO trao tặng, Chính phủ Myanmar đặt kỳ vọng thành cổ sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch trong tương lai trong khu vực.
Bagan là thành phố của đền tháp, của mặt trời. Tháng 11 đến tháng 3 hàng năm là lúc thời tiết ở đây đẹp nhất và cũng là mùa bay khinh khí cầu, nên du khách tập trung về rất đông. Bạn có thể đặt trước qua website của Oriental Ballooning, với giá 399 USD/người (đã đủ thuế phí). Bạn nhớ mang theo áo ấm, bởi đêm và sáng khá lạnh, ngày lại nắng nóng và hanh khô.
Được gọi là “thành phố của mặt trời”, nên có hai hoạt động nhất định phải làm, đó là ngắm mặt trời mọc và lặn. Trước đây, du khách đều được trèo lên đỉnh các đền, tháp và tận hưởng cảnh sắc từ trên cao, nhưng vài năm trước, từng có nữ du khách bị ngã, nên dần dần hoạt động này đều đã bị cấm.
Hồ Inle hay còn gọi là Biển Hồ, nằm ở thị trấn Nyaung Shwe, là một trong những địa danh được biết đến nhiều nhất của du lịch Myanmar. Ngoài khung cảnh tuyệt vời của hồ Inle, bạn còn có thể đến thăm trang trại nho và sản xuất rượu Red Mountain, làng người cao cổ Pa-O và chùa Phaung Daw Oo, với năm bức tượng Phật dán đầy lá vàng ròng. Inle là hồ nước ngọt lớn thứ hai của Myanmar với diện tích lên tới 116 km2, được bao quanh bởi núi non hùng vĩ.
Chừng 7 giờ sáng, xe dừng ở gần hồ Inle, bạn có thể thuê tuk tuk ra bến thuyền vì đặt resort nằm trên mặt hồ. Đặt luôn thuyền đưa ra resort, nhận phòng và ăn sáng, khoảng 9 giờ 30 phút thuyền quay lại đón đi chơi trên hồ. Giá đưa đón khoảng 24.000 đến 25.000 Kyats. Trên mặt hồ Inle có các resort khá xinh xắn, được quây thành các khu vực riêng, phòng dạng bungalow.
Hồ Inle có tộc người Inthar sinh sống từ lâu đời, nước hồ lại không quá sâu nên nhà cửa phần lớn dựng bằng cột gỗ ngay trên mặt hồ, người dân sẽ sinh hoạt ngay ở đó. Thuyền sẽ đưa du khách đến các điểm làm nghề như bạc, dệt sợi, nhà có người cổ dài, đền chùa, nhà hàng...
Mandalay là thành phố lớn thứ hai ở Myanmar sau Yangon, một trong những điểm đến và điểm trung chuyển phổ biến nhất với khách du lịch Myanmar. Các điểm tham quan bao gồm: Tu viện Shwenandaw làm bằng gỗ, chùa Kuthodaw Paya với quyển sách lớn nhất thế giới, đồi Mandalay, Cung điện Hoàng gia, chùa Mahamuni với tượng Phật đính lá bằng vàng thật, cầu U-bein - cây cầu gỗ dài nhất thế giới và tu viện ở Amarapura.
Ngôi làng nằm về phía bắc của Mandalay - Mingun nổi tiếng với khách du lịch Myanmar nhờ các di vật và di tích sau: Quả chuông Mingun - một trong những quả chuông nặng nhất và lớn nhất trên thế giới, bảo tháp Mingun Pahtodawgyi và ngôi chùa trắng Hsinbyume/Myatheindan với đôi tượng Chinthe.
Thị trấn Pyin oo Lwin nằm trên đồi cao hơn 1.000 m so mặt nước biển là điểm đến khá khác biệt của du lịch Myanmar. Một số điểm tham quan đáng chú ý tại đây là Vườn quốc gia Kandawgyi, Tháp đồng hồ Purcell theo kiểu tháp Big Ben ở London, thác Anisakan, thác Pwe Kauk và hang Pyeik Chin Miang.
Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, cũng là điểm đến phổ biến của khách du lịch Myanmar. Ở Myanmar cũng tập trung các điểm tham quan như: chùa Shwedagon, chùa Sule, trang trại cá sấu Thaketa, chợ Bogyoke Aung San, chợ Mingalar, khu phố Tây đường 19th Street, chùa Botataung, nhà thờ Saint Mary’s Cathedral, nhà thờ Holy Trinity Cathedral, chùa Mailamu, tu viện Do Thái Musmeah Yeshua Synagogue, Vườn Mahabadoola, hồ Inya và hồ Kandawgyi. Trong đó, chùa Shwedagon là điểm tham quan quan trọng nhất, đây là nơi lưu giữ bốn báu vật Phật giáo gồm gậy của Kakusandha, lọc nước của Konagamana, áo của Kassapa và tám sợi tóc của Đức Phật.
Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và các nền văn hóa ẩm thực của dân tộc thiểu số khác. Món chủ yếu ở đây thường làm từ gạo. Ngoài ra, mỳ và bánh mỳ là các món cũng khá phổ biến với người dân.
Có một số món đặc trưng ở Myanmar mà bạn không nên bỏ lỡ, đó là salad lá trà với lá trà chua và hơi đắng được trộn với cải bắp, cà chua, đậu rang, ớt và tỏi. Món này ăn riêng hoặc ăn với cơm đều ngon; cơm cá, món ăn của người dân tộc Shan này bao gồm cơm nấu với nghệ, sau đó nén dẹt, rắc ruốc cá nước ngọt và rưới dầu tỏi lên trên. Món này ăn cùng rễ tỏi tây, tỏi sống và da heo chiên giòn, tạo nên mùi vị cay nồng đặc trưng; cà ri Myanmar, có thể làm từ thịt bò, cá, tôm, thịt heo hay thịt cừu. Đi cùng với cà ri là vô số món ăn kèm như cơm, salad, rau xào, súp, rau sống và rau luộc.
Ở Myanmar, bạn sẽ thấy các món chiên giòn ở mọi nơi. Món tiêu biểu là buthi kyaw (bầu lăn bột chiên giòn), dùng với nước chấm chua ngọt làm từ me và bột đậu. Món ăn mang tinh túy quốc gia của Myanmar là Mohinga - mỳ gạo sợi tròn ăn chung với cá và nước súp hành, thỉnh thoảng có thêm ruột giòn của cây chuối. Bạn cũng có thể thêm trứng luộc, rau chiên giòn akyaw, đậu lăng chiên giòn, nước chanh và ớt khô. Mỳ của dân tộc Shan làm từ gạo, sợi dẹt và mỏng, được nhúng vào nước súp tiêu, ăn cùng với thịt gà hoặc thịt heo. Món này cũng có phiên bản mỳ khô.
Ảnh: Thùy Dương
Khang Khang/nhandan.com.vn