Sức hút của “dark tourism”
“Dark tourism” được biết đến với nhiều tên khác như "thana tourism", "black tourism" hoặc "grief tourism". “Dark tourism” là loại hình du lịch mà du khách sẽ đến thăm những địa điểm nơi từng diễn ra một số sự kiện đen tối, thường liên quan đến chết chóc và bi kịch của lịch sử nhân loại.
Các sự kiện đen tối này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên như thảm họa động đất, sóng thần, hoặc bắt nguồn từ con người như nạn diệt chủng, ám sát, hoặc có thể là nhà tù, hiện trường chiến tranh, khủng bố, v.v.
Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm, hàng triệu khách du lịch trên khắp thế giới mạo hiểm đến một số nơi được coi là bất hạnh nhất trên Trái đất. Đó là những địa điểm ghi dấu những sự kiện tàn khốc, tai nạn hoặc thiên tai.
Từ Auschwitz đến Chernobyl, Gettysburg, nơi xảy ra vụ ám sát Kennedy và Đài tưởng niệm 11/9 ở New York, khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), Cánh đồng chết ở Campuchia,...du khách đang biến những phần tồi tệ nhất của lịch sử trở thành một phần trong kỳ nghỉ của họ.
Tại Ấn Độ, theo cơ quan du lịch bang Uttar Pradesh, chỉ riêng trong năm 2017, thành phố kỳ bí bên sông Hằng Varanasi nổi tiếng với nghi lễ hỏa táng truyền thống thu hút khoảng 300.000 du khách nước ngoài đến thăm.
Tại Mỹ, khu phức hợp tưởng niệm Sự kiện 11/9 ở thành phố New York kể từ ngày mở cửa cách đây 10 năm đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất, thu hút hơn 7 triệu du khách trong và ngoài nước Mỹ mỗi năm. Du khách đến đây để tưởng niệm các nạn nhân và cảm nhận sự mất mát trong sự kiện kinh hoàng chấn động nước Mỹ.
Thực tế, “dark tourism” không phải mới xuất hiện. Tờ The Washington Post dẫn lời Giáo sư chuyên ngành du lịch J. John Lennon tại Đại học Glasgow Caledonian (Scotland), cho biết, thực tế loại hình “dark tourism” có từ năm 1815 và thậm chí có từ thế kỷ 16. Nhưng những năm gần đây, loại hình du lịch này càng phổ biến hơn. Một phần là nhờ vào các phim tài liệu, phim ảnh được công chiếu rộng rãi.
Dù các phim tài liệu đa số đề cập đến các vấn đề lịch sử, địa lý hay văn hóa, không khai thác điểm đến dựa trên khía cạnh du lịch, nhưng lại góp phần khơi gợi sự tò mò và thúc đẩy du khách tìm đến đến những di tích thương đau.
Một trong những bộ phim tài liệu trực tiếp đề cập đến “dark tourism” là bộ phim “Dark Tourism” của nhà sản xuất phim người Đức Manfred Becker, sản xuất tại Canada và phát sóng trong khoảng thời gian 2007-2008. Năm 2018, loạt phim tài liệu “Dark Tourists” của Netflix với bối cảnh một nhà báo đi khám phá các điểm đến “kỳ lạ” cũng đã thu hút được lượng lớn khán giả với đề tài độc đáo này.
Truyền hình đang thúc đẩy nhiều người đến thăm một số địa điểm nổi tiếng hơn. Sau loạt phim ngắn “Chernobyl” của HBO về vụ nổ nhà máy điện hạt nhân năm 1986, được công chiếu tháng 3/2019, các công ty du lịch tổ chức tour đến khu vực này cho biết họ đã thấy lượng khách tăng 30 – 40%.
Trong khi thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về mục đích của loại hình du lịch này, thì vẫn không thể phủ nhận rằng, những chuyến tham quan tới những nơi đen tối, đau thương vừa là để tưởng nhớ, vừa là nhắc nhở du khách về những điều khủng khiếp mà loài người có thể thực hiện để giúp họ tránh những hành động tương tự xảy ra trong tương lai. Những địa điểm này còn là kho tư liệu trực quan để nghiên cứu lịch sử, giáo dục thế hệ hiện tại về giá trị của những gì đã qua và biết trân trọng cuộc sống đang có.
“Dark tourism” tại Việt Nam
Với bề dày lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược, tại Việt Nam có rất nhiều địa điểm ghi dấu những năm tháng đau thương nhưng thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc.
Một số địa điểm tiêu biểu có thể khai thác loại hình “dark tourism” có thể kể đến như: Bãi cọc trên sông Bạch Đằng, Gò Đống Đa, Nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh) hay Nghĩa trang Hàng Dương, Nhà tù Côn Đảo, Trại giam Phú Quốc,…. Du khách quốc tế cũng đặc biệt quan tâm tới những điểm đến như Địa đạo Củ Chi, Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, Làng Mỹ Lai, hay những địa danh gợi nhớ chiến trường xưa như khu vực Thành cổ Quảng Trị.
Những địa điểm kể trên đều là những địa danh mang các giá trị lịch sử, văn hóa và có tính giáo dục cao, giúp du khách hiểu thêm về lịch sử của điểm đến, hơn hết là ý chí quật cường của con người Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử bi thương nhưng hào hùng của đất nước.
Trong những năm gần đây, các địa điểm di tích này đã được quan tâm đầu tư hơn, được quản lý bài bản hơn. Đối tượng tham quan những địa điểm này không chỉ bó hẹp là du khách trung niên, người cao tuổi mà ngày càng có nhiều du khách trẻ tuổi bị thu hút tới những địa điểm lịch sử bi hùng.
Khi nhiều di tích lịch sử đã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, các giá trị của di tích đã đến được gần hơn với công chúng, nhất là những người trẻ. Có thể kể tới việc di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức hoạt động trưng bày trên fanpage, kênh phát thanh trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts, giúp mọi đối tượng công chúng trong và ngoài nước tiếp cận và tìm hiểu di tích một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn.
Về lâu dài, để phát triển loại hình du lịch “dark tourism” tại các điểm di tích lịch sử này, các cơ quan quản lý điểm đến cần có các kế hoạch phát triển hợp lý. Đặc biệt chú trọng tới hình thức quảng bá, tạo ra nhiều sản phẩm trải nghiệm trực quan hơn với từng đối tượng du khách, đặc biệt là người trẻ. Đồng thời, cần tránh tình trạng khai thác du lịch quá mức hoặc thương mại hóa khiến những nơi này mất đi các giá trị lịch sử và nhân văn vốn có.
Theo Nhân dân
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |