Các chuyên gia từ Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và ETH Zuric – tổ chức đầu tiên thực hiện các nghiên cứu toàn cầu về di sản sông băng trên thế giới cho biết, một nửa số lượng các sông băng nằm trong các di sản thiên nhiên thế giới sẽ tan chảy nếu tình trạng khí thải nhà kính toàn cầu vẫn tiếp tục không thể kiểm soát như hiện nay.
Ngay cả trong điều kiện thải khí thấp thì vẫn có đến 8 di sản sẽ mất sông băng vào cuối thế kỉ này. 33 đến 60% lượng sông băng hiện có của các di sản thế giới được ghi nhận trong năm 2017 sẽ biến mất vào năm 2100 tùy thuộc vào mức độ phát thải nhà kính trong tương lai.
Các di sản thiên nhiên thế giới là nơi có các dòng sông băng đẹp nhất thế giới như sông băng Jakobshavn của Greenland, sông băng Khumbu của Nepal, và sông băng Aletsch vĩ đại của Thụy Sĩ.
Sông băng Aletsch ở Thụy Sĩ
Công viên quốc gia Los Glaciares của Argentina được dự đoán sẽ mất khoảng 60% khối lượng sông băng hiện có vào năm 2100. Còn ở châu Âu, những sông băng nhỏ ở Pyrénées – Mont Perdu dự kiến sẽ biến mất hoàn toàn sau năm 2040.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, ở Bắc Mỹ, hơn 70% sông băng thuộc Công viên Rocky Mountain của Canada, Công viên Quốc gia Olympic ở bang Washington và Công viên Sông băng Quốc gia sẽ biến mất vào năm 2100. Điều này sẽ xảy ra ngay cả khi lượng khí thải carbon dioxide được giảm triệt để.
Công viên Rocky Mountain ở Canada
Trong khi đó, công viên Te Wahipounamu của New Zealand - nơi hiện chứa 75% sông băng của đất nước, bao gồm sông băng Franz Josef và Fox Glacier - sẽ mất từ 25 đến 80% khối lượng băng hiện tại vào cuối thế kỷ.
Vào tháng 11 năm 2017, một báo cáo của IUCN đã kết luận rằng, biến đổi khí hậu là mối đe dọa có tốc độ phát triển nhanh nhất đối với các Di sản thiên nhiên thế giới. Chỉ từ năm 2014 đến năm 2017, số lượng di sản như trên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khi hậu đã tăng lên gấp đôi.
Theo dantri.com.vn