Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang
Thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, lạ mắt, kiến trúc pha trộn giữa phương Đông và phương Tây. Bởi vậy mà khi ghé miền Tây sông nước, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến chùa Vĩnh Tràng để tham quan, chiêm bái.
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo hình chữ “Quốc” (hán tự), gồm 4 gian nối tiếp nhau là: Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc Á – Âu đan xen, với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong gồm 5 mái nhô cao - tượng trưng theo quan niệm ngũ hành của phương Đông.
Trong chùa còn đặt pho tượng Phật A Di Đà thủ ấn cao 18m và hơn 60 tượng Phật cổ (tạc vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) bằng gỗ, đồng, đất nung sơn son thếp vàng.
Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu
Luôn nằm trong top đầu những ngôi chùa đẹp nhất miền Tây, chùa Xiêm Cán (xã Hiệp Thành, Bạc Liêu) được thiết kế mang hơi hướng kiến trúc văn hóa của người Khmer. Được xây dựng từ thế kỷ 19, tọa lạc trên khu đất rộng đến 50.000 hecta, từ xa nhìn lại, chùa Xiêm Cán luôn rực rỡ, uy nghi bởi hai tông màu vàng – đỏ.
Hầu hết các mái vòm, tường, cột và cầu thang tại chùa Xiêm Cán đều được chạm trổ họa tiết rắn bởi người dân nơi đây luôn tin rằng: lòng từ bi hỷ xả của đức Phật sẽ thuần hóa được rắn.
Chùa Phật Lớn, An Giang
Tọa lạc ngay trên núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm sơn (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), chùa Phật Lớn được xem là một trong những ngôi chùa thu hút rất đông khách tham quan tại miền Tây Nam Bộ.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, chùa Phật Lớn được xây dựng từ năm 1912. Nổi bật trong ngôi chùa là bức tượng Phật Di Lặc cao 33.6m đã được sách Kỷ lục Việt Nam xác lập vào năm 2006. Đến năm 2013, tượng Phật Di Lặc cũng đã được xác lập kỷ lục châu Á.
Chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng
Chùa Chén Kiểu hay còn có tên tiếng Khmer là Wath Sro Loun, tuy nhiên để dễ đọc thì người dân tại đây đã phiên âm thành chùa Sà Lôn.
Theo người dân nơi đây kể lại, trước đây trong quá trình xây dựng ngôi chùa, do thiếu kinh phí xây dựng nên nhà chùa đã vận động Phật tử quyên góp thêm các loại chén kiểu, đĩa kiểu để trang trí. Và chính bởi sự sáng tạo đó đã khiến chùa Chén Kiểu sở hữu kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khác biệt so với những ngôi chùa khác tại miền Tây.
Đặc biệt, chùa Chén Kiểu còn là nơi lưu giữ bộ sưu tập đồ gỗ quý hiếm - gia sản của công tử Bạc Liêu.
Theo petrotimes.vn