Làm giàu nhờ việc cho lợn... tập bơi và nhảy cầu
Huang Demin, một người nông dân ở Ninh Hương, Hồ Nam, Trung Quốc nghĩ ra phương pháp độc đáo để cải thiện chất lượng thịt trong đàn lợn của gia đình. Theo Sina, ông Huang dựng một chiếc chòi ngay cạnh ao. Hàng ngày, ông lùa đàn lợn lên chòi và luyện tập cho chúng thói quen “nhảy cầu” từ độ cao 3m. Sau đó, đàn lợn sẽ bơi lội trong nước trước khi tự vào bờ.
Bài tập này được ông duy trì suốt 4 năm qua. Theo ông Huang, phương pháp đặc biệt này giúp đàn lợn của ông duy trì được độ dẻo dai, khỏe mạnh, cải thiện hệ thống miễn dịch, và quan trọng hơn cả là chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn những nơi khác. Ông huấn luyện “lợn nhảy cầu” từ khi chúng mới 1 tháng tuổi.
Những chú lợn biết nhảy cầu
Với những chú lợn “tập thể thao hàng ngày”, giá bán cao gấp 3 lần so với thông thường nhờ chất lượng thịt săn chắc hơn. Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân này. Hiện trang trại nuôi lợn của ông Huang còn là điểm du lịch hút khách khi cả dân địa phương và du khách đều tới đây để tìm hiểu, tham quan.
Hòn đảo nổi tiếng với những chú lợn biết xin ăn
Nếu như ở Trung Quốc, đàn lợn được huấn luyện nhảy cầu để tăng cường độ dẻo dai, thì tại một hòn đảo của Bahamas, chúng lại thoải mái bơi lội trong nước và đùa giỡn với khách du lịch. Đảo Big Major hay đảo lợn là một hòn đảo nhỏ không người sinh sống, nằm ở Exuma, Bahamas (Khối thịnh vượng chung) nổi tiếng với những chú lợn biết bơi thân thiện, đáng yêu.
Một chú lợn bơi đến gần du khách để xin ăn
Những chú lợn tại đây nổi tiếng với khả năng bơi lội tự nhiên. Du khách rất thích thú khi được tiếp xúc với đàn lợn bơi giỏi, thân thiện, thích lân la xin ăn. Nguồn gốc của chúng có nhiều câu chuyện khác nhau. Một số người cho rằng các con lợn bơi vào đảo sau khi tàu đắm. Số khác lại nói rằng lợn ở đây được các thủy thủ mang đến như một nguồn thực phẩm và khi dời đi đã bỏ chúng lại… Người dân ở đảo Staniel cho biết họ đưa lợn tới đảo Big Major từ đầu những năm 1990. Để có nguồn thức ăn, chúng phải học cách bơi ra gần tàu thuyền ngoài biển và từ đó thích nghi với môi trường trên hòn đảo này. Nhờ đó mà hòn đảo với nhiều chú lợn tung tăng bơi lội như chốn không người này trở nên đặc biệt khiến du khách mê đắm.
Bảo tàng lợn ở Hàn Quốc
Vào tháng 11/2011, Bảo tàng Lợn đầu tiên tại Châu Á đã chính thức ra mắt tại thành phố Gyeonggido - Hàn Quốc. Trong bảo tàng trưng bày hơn 5000 hiện vật nghệ thuật về những chú lợn đến từ 18 quốc gia. Có rất nhiều chú lợn với đầy đủ kiểu dáng, kích cỡ lớn, nhỏ bằng gốm được trưng bày tại đây và còn có cả những hũ tiết kiệm hình lợn xinh xắn. Chúng gợi nhớ về Hàn Quốc những năm 1970 và hiện nay tuy không còn nhiều gia đình sử dụng, nhưng nó vẫn gợi nhớ mỗi khi thấy hình ảnh của những chiếc hũ này.
Bảo tàng lợn ở Hàn Quốc
Ngoài các tác phẩm mô phỏng, bảo tàng còn là nơi chăm sóc nhiều chú lợn con rất dễ thương để tham gia vào các trò chơi biểu diễn thu hút du khách. Hàng năm, bảo tàng còn tổ chức cuộc thi "Hoa hậu lợn" nhằm tôn vinh những chú lợn cái có vẻ ngoài hoàn hảo nhất. Các "Miss lợn" sẽ nhận được cơ hội chụp ảnh cùng khán giả khi cuộc thi kết thúc.
Với những đặc điểm thú vị, Bảo tàng Lợn luôn nằm trong danh sách những bảo tàng độc đáo và nổi tiếng nhất "xứ sở Kim chi".
Lễ hội lợn độc đáo ở Pháp
Vùng đất yên bình TriesurBase, Hautes Pyrénées, khu vực phía Tây Nam của nước Pháp được nhiều người biết đến bởi là nơi diễn ra lễ hội lợn độc đáo hàng năm.
Lễ hội ra đời từ năm 1975, được tổ chức vào chủ nhật thứ hai của tháng 8. Mục đích của lễ hội này nhằm tôn vinh con vật gần gũi và mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Lễ hội lợn tại Pháp
Các hoạt động trong lễ hội đều gắn liền với lợn như đua lợn, làm thực phẩm từ thịt lợn... Hoạt động thu hút sự quan tâm lớn nhất của du khách là hóa trang thành... lợn để tái hiện lại một vòng sinh trưởng của loài vật này.
Chợ lợn Bà Rén
"Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo." Đây là câu ca về phiên chợ heo hết sức nổi tiếng tại xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những nơi cung cấp heo giống lớn nhất Việt Nam.
Chợ heo Bà Rén
Chợ heo Bà Rén họp định kỳ mỗi ngày và sầm uất nhất từ 7h đến 9h sáng. Từ heo con, heo choai đến heo trưởng thành, heo nái, đủ các loại. Cũng giống như bao chợ heo khác với không khí nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua. Thế nhưng điều đặc biệt ở ngôi chợ này chính là những người phụ nữ gắn chặt đời mình với việc bồng heo thuê. Thương lái thường chọn những phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn rồi bảo các chị bồng ẵm những chú heo con vào lòng đứng lên cân. Sau khi có kết quả, họ trừ đi trọng lượng cơ thể của người, còn lại là ra số cân thực tế của con heo cần mua hoặc bán. Đây là một công việc đặc biệt, không đòi hỏi sự khéo léo nhưng lại cần tính thận trọng, chịu khó bởi nếu bồng không chắc lỡ sẩy tay heo chạy ra ngoài không bắt lại được là phải đền cho chủ. Dù khó khăn cơ cực là thế nhưng những phụ nữ ấy vẫn luôn gắn kết yêu thương đùm bọc, nương tựa vào nhau để sống và vẫn dành cho nhau những ấm áp tình người.
Phạm Hằng (Theo baodansinh)