Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Trung Chánh
Đó là lời khuyên được ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt và là chuyên gia tư vấn du lịch nhân chuyến khảo sát du lịch của tỉnh Hậu Giang diễn ra hôm 3-6 để chuẩn bị cho hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” do UBND tỉnh Hậu Giang, nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Phát thanh Truyền hình Hậu Giang phối hợp tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-7-2019 tới.
Lung Ngọc Hoàng- điểm thu hút khách lý tưởng chờ được khai thác
Ông Stiermann Martin, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge - một người Đức đang có dự án đầu tư du lịch tại ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ tại chuyến khảo sát đã thốt lên “quá tuyệt vời” khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
“Nơi đây (Lung Ngọc Hoàng) tôi nghĩ đẹp thuộc hàng đầu của Việt Nam, dù tôi đã đi rất nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng chưa có nơi nào có một cảnh quang tuyệt vời như thế này”, ông nói.
Ông Stiermann Martin (phía trước), Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Loge cùng đoàn khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Huỳnh Kim
Trước đó, khi làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, sau khi nghe giới thiệu các phân khu chức năng cũng như hiện trạng của khu này, ông Martin đã “ngỏ ý” đưa khách du lịch cao cấp của châu Âu từ khu nghỉ dưỡng Ricefield Loge - địa điểm cách Lung Ngọc Hoàng khoảng 40 km - đến để “khám phá” những điều thú vị tại đây.
Về nội dung nêu trên, ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nói: “Nếu trường hợp chỗ anh Martin muốn liên kết phát triển du lịch, thì chúng tôi phải làm đề án để Ủy ban (UBND tỉnh Hậu Giang) phê duyệt và khi Ủy ban phê duyệt mới có thể đón khách”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang giải thích, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chưa hình thành khu du lịch nên chưa cho khai thác.
“Chỉ các đoàn có qua Tỉnh ủy hay Trung tâm xúc tiến du lịch liên hệ, thì có thể cho vô, chứ khách lạ không cho vào”, ông giải thích.
Rõ ràng đây đang là một “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, tức địa phương cần có cơ chế cho khách du lịch được vào tham quan nhằm “kích hoạt” sự phát triển cho địa điểm du lịch đầy tiềm năng này.
Về việc này, ông Huỳnh Kim, Trưởng văn phòng đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Cần Thơ gợi ý, ông Martin nên có lời đề nghị chính thức với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại hội thảo ngày 6-7 tới để kết nối đưa khách châu Âu đến với Lung Ngọc Hoàng.
Ông Huê thì cho rằng, Ban quản lý khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng cũng như Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang cần chủ động đề xuất với UBND tỉnh về dịch vụ du lịch tại Lung Ngọc Hoàng, tức cho phép ban quản lý tổ chức dịch vụ này.
“Phát triển du lịch mà mấy anh không tạo sản phẩm, thì làm sao người ta mua được”, ông nói.
Toàn cảnh Lung Ngọc Hoàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Chánh
Tôn trọng thiên nhiên, đón khách có chọn lọc
Xác định Lung Ngọc Hoàng là địa điểm tốt để khai thác du lịch, nhưng ông Martin cho rằng, nếu làm không khéo, đưa tất cả các loại khách du lịch đến đây, thì sẽ phá hỏng cả điểm du lịch hấp dẫn này. “Nếu không có sự chọn lọc, ai cũng có thể đến đây với cái ồn ào, náo nhiệt coi như nó sẽ phá hỏng hoàn toàn cảnh quang nơi đây”, ông nói.
Theo ông Martin, Lung Ngọc Hoàng là địa điểm 100% phù hợp với khách đi du lịch sinh thái. “Các anh, các chị phải xác định đón loại khách nào đến khu bảo tồn này, chứ không thể nào đón tất cả các loại khách được”, ông cho biết.
Gợi ý của ông Martin là phải làm sao giữ cho Lung Ngọc Hoàng không bị phá hủy môi trường thiên nhiên. “Ví dụ, ở đây có thể dùng những tàu thuyền gỗ, không có động cơ máy nổ để đưa khách tham quan”, ông nói rằng đây không phải là nơi phát triển loại hình du lịch với công nghệ cao, mà phải giữ được sự tĩnh lặng, đây cũng chính là sự khác biệt.
Một điểm đáng lưu ý khác được ông Martin đưa ra trong gợi ý phát triển du lịch Lung Ngọc Hoàng cho Hậu Giang, đó là không bán tour giá rẻ, mà phải chọn phân khúc cao cấp, phân khúc khách châu Âu vì đây là phân khúc khách hàng rất yêu thiên nhiên. “Nếu ai có tiền thì mua tour này, còn không thì thôi”, ông nhấn mạnh.
Một góc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Loge của ông Stiermann Martin ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Trong khi đó, ông Huê cho rằng, về du lịch Hậu Giang có nhiều loại hình khác nhau, nhưng địa phương nên chọn phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn với các loại hình lưu trú đa dạng, trong đó, nên chọn Lung Ngọc Hoàng là điểm tham quan chính để "kích hoạt" phát triển du lịch khu vực xung quanh của địa phương.
Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Huê, là tuyệt đối không xây dựng những cơ sở dịch vụ trong Lung Ngọc Hoàng, chỉ có thể xây dựng cơ sở dịch vụ ở khu vực xung quanh đó. “Còn với Lâm trường Mùa Xuân - một điểm du lịch khác của Hậu Giang - có thể làm tốt nhưng phải đầu tư dịch vụ có chiều sâu hơn, chứ hiện nay dịch vụ nơi này rất lộn xộn, chưa đạt yêu cầu”, ông cho biết.
Đứng về mặt kết nối, theo ông Huê, Hậu Giang có rất nhiều con sông kết nối với thành phố Cần Thơ, cho nên, địa phương có thể phát triển du lịch trên sông. “Nhưng phải nghĩ khác loại hình hiện nay của thành phố Cần Thơ hoặc Vĩnh Long, tức có thể chọn ca nô chạy từ bến Ninh Kiều, Cái Răng thẳng xuống kênh xáng Xà No, chứ không phải là loại hình ghe xuồng nhỏ”, ông gợi ý cần phải có sự khảo sát trước khi triển khai.
Theo ông Huê, khách từ Thành phố Cần Thơ có thể kết nối đến Lung Ngọc Hoàng bằng xe ô tô loại 16 chỗ hoặc đi bằng ca nô hay bằng loại phương tiện nào khác cần phải khảo sát. “Nhưng, ngay tại Lung Ngọc Hoàng phải hình thành được các dịch vụ như đi xe đạp hoặc đi thuyền trải nghiệm thiên nhiên và các dịch vụ ăn uống”, ông gợi ý.
Ông Huê cho biết, trong con mắt của người châu Âu, họ nói là phải giữ được sự tĩnh lặng để đón khách cao cấp và tổ chức dịch vụ thu tiền. “Hậu Giang nên coi đó là điểm nhấn trung tâm và các điểm dịch vụ xung quanh sẽ sống nhờ đó, nhưng phải theo nguyên tắc là bảo tồn, là giữ được cái tài nguyên đó, chứ không phải vô cái lõi đó xây nhà nghỉ, khách sạn là coi như vứt đi”, ông nhấn mạnh một lần nữa.
Trung Chánh/ thesaigontimes.vn
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh Hậu Giang quyết định tổ...
Tổ hợp khách sạn 4 sao đầu tiên và chợ du lịch Xà No là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo của vùng...
Sáng nay (09/8), thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, 135 công dân Việt Nam từ Singapore về nước...
Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều cơn...
Hôm nay (27/7), Hậu Giang long trọng tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt người có...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hậu Giang cho biết: 128 công dân về từ Singapore vừa được...
Hà Giang – mảnh đất địa đầu Tổ quốc luôn là một trong những điểm đến yêu thích của dân “phượt”.
Hôm nay (04/6), Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19...
Sáng nay (22/05), lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang thông tin, người đàn ông từ nước ngoài về nhưng chưa được...
Hôm nay (19/5), tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh...
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có quyết định công nhận nghề truyền thống trồng trầu tại ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị...
Cùng với kỳ vọng xây dựng một "Hậu Giang xanh" thì phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với làm nông nghiệp...