Phúc Kiến, một trong 5 hội quán ở Hội An, nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương. Ảnh: Justin Mott/The New York Times
Nằm trên bờ biển miền trung Việt Nam, thương cảng cổ Hội An mang đến những điều kỳ diệu bất tận, từ những dân chài chèo những chiếc thuyền tre ven bờ biển rợp bóng cọ, tới những người nông dân mang nón lá gặt lúa trên những thửa ruộng chín vàng.
Nhưng điều thu hút bao trùm nhất của nơi này chính là bản thân thành phố cổ với những bức tường sơn màu vàng mù tạt và được trang trí bằng những chiếc đèn lồng lụa đầy màu sắc. Nhiều ngôi nhà gỗ cổ, những đền chùa và hội quán kiến trúc cầu kỳ, pha trộn văn hóa Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản, có từ thời Hội An mới ra đời những năm 1700. Tới đầu những năm 1800, thương cảng Hội An được thay thế bằng cảng sông ở Đà Nẵng và hầu như bị lãng quên. Việc Hội An được công nhận là Di sản thế giới của Unesco năm 1999 đã thúc đẩy thành phố cổ hồi sinh và trong những năm gần đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch đại trà, với vô số xe buýt du lịch và khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Hội An vẫn có nhiều nét quyến rũ, với giá cả phù hợp và khung cảnh ẩm thực sôi động.
Thứ sáu
1) 1 giờ chiều: Quay ngược thời gian
Nhiều cửa hiệu nhà ống hai tầng đã được dùng làm nhà hàng, quán cà phê và một loạt các cửa hàng may đo và đồ da. Còn một số ngôi nhà không thay đổi theo thời gian đã mở cửa đón khách du lịch vào tham quan, như nhà Tấn Ký có tuổi đời hai thế kỷ. Bắt đầu chuyến tham quan phố cổ của bạn tại đây (giá vé 120.000 đồng, tương đương 5,15 đô la, tham quan năm trong số hơn 20 di tích lịch sử). Đi sâu vào trong ngôi nhà dài hơn 30m, đi qua hàng cột và dầm xà chạm khắc tinh tế, bước qua khoảng sân mở bên trong, sẽ tới một bức tường ở phía sau, nơi còn lưu dấu vết của những trận lũ.
Tiếp theo nhà Tấn Ký là hội quán Phúc Kiến, một trong năm hội quán của các thương nhân Trung Quốc xưa, được dựng nên để làm nơi bàn bạc các giao dịch thương mại và thờ cúng tổ tiên. Hành trình ngược thời gian sẽ kết thúc tại cây cầu Nhật Bản có mái che, gọi là Chùa Cầu, xây dựng vào năm 1593, sau này được người Trung Quốc và Việt Nam xây dựng lại. Mái cầu lợp ngói âm dương như những ngôi nhà cổ trong thành phố.
2) 3 giờ chiều: Đi xem lụa
Kéo tơ và bán lụa cho thương nhân nước ngoài là nghề phát triển mạnh ở Hội An nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, nghề đó vẫn còn ở bên trong hơn 600 cửa hàng may đo. Chất lượng và sự vừa vặn khá phập phù. (Tốt nhất là nên mang theo một bộ làm mẫu và chừa thời gian để thử và sửa đồ; sau 24 giờ là xong. Vợ tôi đã rất vui mừng khi có được những chiếc quần lụa, mỗi chiếc 940.000 đồng, ở cửa hàng Le Le Cloth.) Nếu bạn muốn biết thêm về quy trình sản xuất lụa, hãy ghé qua Thắng Lợi để tham quan và xem những con tằm ăn lá dâu, nhả tơ tạo kén.
3) 7 giờ: Thưởng thức ẩm thực cổ xưa
Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam cách đây 27 năm, Didier Corlou đã bước vào sứ mệnh thúc đẩy ẩm thực Việt Nam thông qua những cuốn sách dạy nấu ăn và nhà hàng do ông mở ở Hà Nội. Bây giờ đầu bếp nổi tiếng người Pháp đang phục vụ với niềm đam mê ẩm thực ở Hội An tại nhà hàng Cô Mai. Nhà hàng do ông và vợ, cũng là đầu bếp Hoàng Phương Mai mở trong một hiệu bán gia vị cũ.
Thực đơn đầy hương vị (395.000 đồng) là lựa chọn tuyệt vời nhất để thưởng thức cả một "Hội An trên đĩa", như ông Corlou đặt tên cho thực đơn của mình. Các món chính gồm có thịt lợn om, càri Saigon Marseille, cá nhồng gói lá chuối. Món khai vị có nộm hoa chuối thịt gà, nem cá ngừ, thịt lợn và nấm. Nhớ để dành bụng cho món tráng miệng gồm có nước xoài, bánh chuối và kem caramen.
4) 10 giờ: Nơi ẩn náu của Scotch
Cửa hàng cửa hiệu trong khu phố cổ bắt đầu đóng cửa lúc khoảng 9 giờ tối, nhưng một vài quán bar vẫn mở muộn. Hãy xem các chủ thuyền