Đảo Hà Nam nằm trên vùng bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng. Vùng đất này có lịch sử gần 600 năm, khi những cư dân Thăng Long về đây khai ấp lập làng cùng dấu ấn văn hóa đậm nét cổ truyền.
Ngày Tết trên đảo vẫn còn những nét truyền thống đặc biệt, trong đó có chợ quê họp bên mái đình, ngôi miếu, từ đường cổ kính như chợ Cốc, chợ Đình, chợ Đông...
Ngày cuối năm, chợ nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường, các mặt hàng cũng phong phú đa dạng hơn.
Các quầy hàng đều nhỏ gọn, giản dị, có khi chỉ bày ít vàng hương, vài nhánh trầu cau, dăm ba quả gấc với người bán hàng là những cụ bà bỏm bẻm nhai trầu.
Mặt hàng luôn được ưa chuộng những ngày này là những nải chuối lớn, xanh mướt và đều tăm tắp, được mua về để cúng lễ, bày mâm ngũ quả.
Lá dong, mía ngọt, hoa tươi, trái cây đầy ắp, giá cả cuối năm cũng không tăng cao nên rất dễ mua. Vui nhất vẫn là những đứa trẻ được các bà, các mẹ đưa đi chơi chợ Tết.
Người dân Hà Nam có tục cúng bánh gio ngọt mát trong mâm lễ nên đây cũng là một món hàng được bà con lựa chọn cẩn thận.
Các đặc sản sông biển tại chợ cũng rất nhiều và rẻ như cua, ngán, chả mực...
Ngày 30 Tết, người người không còn tất bật vì hầu như những đồ Tết đã đầy đủ, đi chợ Tết có khi chỉ là để dạo chơi, ngắm nghía, tranh thủ trò chuyện, thăm hỏi người quen làng xóm.
Có nhiều người con xa quê, ngày Tết dạo chợ tìm lại không khí những năm cũ. Ít ngã giá, người mua kẻ bán đều vui tươi, mong qua năm mới được lộc mua may bán đắt.
Trên đường làng ngõ xóm, những quầy quà Tết sặc sỡ tô điểm ngày xuân thêm vui tươi.
Đặc biệt nhất là những quầy hàng bán tranh, câu đối mừng thọ. Đây là lễ vật để mừng thọ cho ông bà, cha mẹ trong Lễ hội Tiên công tưởng nhớ ơn đức tổ tiên độc đáo của người dân đảo Hà Nam, tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Phiên chợ thường kéo dài qua trưa, trước khi người mua kẻ bán về nhà sửa soạn mâm cúng tất niên, vui Tết bên gia đình./.
Trường Giang/VOV Đông Bắc