Có tình yêu đặc biệt với loài hoa được mệnh danh là Quốc hoa của Việt Nam, cách đây 5 năm, anh Vũ Thanh Toàn (Hưng Hà, Thái Bình) đã đem tất cả số tiền dành dụm được sau 3 năm đi làm để đầu tư vào sen cảnh.
Quyết định của 9X liền gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình, bạn bè: "Nhiều người bảo tôi là điên, khùng, đang có công việc ổn định lại bỏ về quê đi lội ao, ruộng xúc bùn trồng sen", anh Toàn nhớ lại.
Anh Toàn quyết định thuê mảnh đất 2000m2 ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) trồng hơn 1000 chậu sen cung đình, quan âm, bách diệp… Ngày nào anh cũng quần quật làm sen từ 6 giờ sáng đến đêm, thậm chí dựng lều ngủ luôn tại đầm sen.
Sau 2 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm nhiều giống sen cả trong và ngoài nước, anh Toàn nhận thấy những hiệu quả tích cực của mô hình này và quyết định nhân rộng lên gấp 10 lần. Hiện tại, đầm sen của anh có hơn 10.000 chậu, với hơn 50 giống sen ở trong nước và nhập thêm từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…
Chàng trai quê lúa cho biết, sen là loài hoa ưa nắng, sen trồng trong chậu đòi hỏi các công đoạn chăm sóc tỉ mỉ hơn trồng ở đầm, hồ bởi trong chậu nhanh cạn nước và nghèo chất dinh dưỡng, nên phải thường xuyên tưới, tỉa lá, bón phân.
Ngoài ra giống sen super lotus (siêu sen, sen khổng lồ) cũng đang được nhiều người yêu thích. Bông hoa sen này có tới 1000 cánh, hoa rất bền, nở từ 5-7 ngày mà không bị rụng cánh. Hay giống hoa sen đổi màu khi mới nở có màu hồng, 3-4 ngày sau đó chuyển dần sang màu trắng và hoa rất thơm.
Vụ sen năm ngoái, anh Toàn bán được khoảng 4000 chậu. Giá mỗi chậu sen dao động từ 150.000 - 800.000 đồng, chậu đắt nhất lên đến 4 triệu đồng. Sau 5 năm khởi nghiệp với hướng đi mới mẻ, mỗi năm trừ các khoản chi phí, anh Toàn thu lãi hơn 100 triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động ở địa phương.
Ông chủ 9X chia sẻ, sen có sức cuốn hút kinh khủng: "Tôi bán sen cho nhiều khách hàng ở thành phố, có người bảo phải đi cả chục cây số mới tìm được 2 cục đất để trồng sen. Hay có những chị vừa sinh con được 1 tháng cũng đi khắp nơi tìm bùn".
Vẫn đang trong quá trình đầu tư, nhưng hiện nay, từ cơ ngơi của mình, anh Toàn còn thu lợi nhuận từ việc bán hoa sen cắm lọ, bán trà sen, rượu sen.... Điều quan trọng, dù đã có nhiều nhà vườn bán các sản phẩm từ sen nhưng thường chỉ được một mùa trong năm (khoảng từ tháng 5 đến tháng 7). Qua nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại, anh Toàn có thể bán các sản phẩm từ sen suốt 4 mùa trong năm. Vì vậy, những người nông dân làm việc tại đầm sen của anh cũng có thu nhập ổn định.
Vào mùa đông, anh Toàn kết hợp trồng súng Thái Lan, giống hoa này nở quanh năm. Ngoài sen trồng trong chậu, anh còn thuê đất để làm hồ sen để phát triển du lịch.
Năm 2020, đầm sen cạn của anh Toàn thu hút rất đông người đến tham quan, chụp ảnh. Anh thu vé 30.000 đồng/người, còn năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tham quan, chụp ảnh phải tạm dừng, vì thế mà doanh thu cũng bị giảm khoảng 30-40%.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, anh Toàn còn kết hợp với những người yêu sen ở Nha Trang để mở rộng mô hình trồng sen cạn, lan tỏa đến nhiều người yêu loài hoa gần bùn mà vẫn vươn mình thanh cao, tỏa hương thơm ngát.
Theo Dân trí
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |