Loại thực phẩm này được ví như "vàng đen", nằm sâu dưới lòng đất, rất khó nhìn thấy bằng mắt thường. Du khách phải dẫn theo chó hoặc lợn để tìm kiếm "món quà" từ tự nhiên có giá hàng chục triệu đồng.
Hàng năm, cứ đến tháng 6, người Úc và đông đảo du khách thập phương lại háo hức được tham gia các lễ hội ở xứ sở chuột túi với hy vọng giải tỏa được sự buồn tẻ, chán chường sau hơn nửa năm làm việc vất vả.
Một trong những lễ hội được yêu thích nhất ở đây là Truffle Kerfuffle (lễ hội săn nấm cục) thường được tổ chức ở Manjimup, phía Tây nước Úc. Đây là nơi có diện tích trồng truffle đen (nấm cục đen) lớn nhất khu vực Nam bán cầu trong suốt 20 năm qua. Khí hậu Manjimup rất thích hợp để nấm truffle đen phát triển và đạt kích thước "khủng"
Để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách trong mùa lễ hội, một địa điểm săn nấm cục là Truffle & Wine Co đã được xây dựng trên một ngọn đồi. Tới đây, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng tuyệt đẹp với một bên là hơn 13.000 cây sồi và phỉ sinh trưởng, một bên là khu vực trồng nho xanh tốt
Truffle & Wine Co được coi là trang trại nấm truffle đầu tiên của Úc dành cho khách du lịch, đồng thời là một trong những nơi sản xuất nấm truffle đen lớn nhất ở phía Nam bán cầu
Mặc dù được tìm thấy nhiều ở Úc nhưng nấm cục đen không có nguồn gốc từ quốc gia này. Chúng được người Pháp giới thiệu đến Úc vào những năm 1990. Mãi 13 năm sau, những cây nấm cục đầu tiên mọc tự nhiên ở Úc mới được tìm thấy.
Ngoài nấm cục đen còn có cả nấm cục trắng. Ở phương Tây, Ý là quốc gia duy nhất sản xuất nấm cục trắng nhưng việc tìm kiếm loại thực phẩm này ở Tây Úc lại dễ dàng hơn nhiều so với đất nước hình chiếc ủng
Ban đầu, nấm cục chỉ được tìm thấy bởi những người thợ săn nấm chuyên nghiệp, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả du khách cũng có thể dễ dàng tham gia vào hành trình đi tìm "vàng đen" độc đáo này
Vì nấm cục có màu đen, lại mọc sâu dưới lòng đất nên rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường. Những người thợ săn buộc phải dẫn theo một con chó hoặc lợn, dựa vào khứu giác nhạy bén của chúng thì mới có thể tìm kiếm được nấm cục
Trước đây, người ta thường sử dụng lợn cái để đi săn nấm vì cho rằng, mùi hương của nấm cục giống như mùi của lợn đực. Tuy nhiên, bây giờ họ lại dùng chó thay lợn cái bởi chó không ăn nấm cục. Nhưng lợn cái thì có, nếu người đi săn chậm chân hơn thì chúng sẽ nhanh chóng tìm ra nấm cục và ăn mất.
Cũng vì lý do đó mà để sở hữu được một con chó chuyên dụng, du khách sẽ phải trả những khoản chi phí rất đắt đỏ. Nhưng nhiều người sẵn sàng "chơi lớn" để đầu tư mua một con chó để đi săn nấm vì loại thực phẩm này có giá trị kinh tế cao hơn nhiều.
Trong vài giờ đồng hồ, thợ săn có thể tìm được vài cục nấm nhờ sự hỗ trợ của chó chuyên dụng. Sau đó, họ rửa sạch nấm cục bằng nước lạnh và dụng cụ đặc biệt để loại bỏ hoàn toàn bụi đất
Nấm cục đen tươi có mùi vị giống như phô mai khô, ngô lên men. Một số người khác thì cho rằng nó có mùi giống như dầu và khí đốt. Tuy vậy, đây vẫn là thực phẩm xa xỉ, dễ dàng hấp dẫn thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên
Nấm cục đen được chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng như salad nấm, cơm nấm cục, mỳ trộn nấm,...
Mỗi kg nấm cục đen còn tươi có giá khoảng 4,500 đô la Úc (tương đương 65 triệu đồng). Chính vì giá thành đắt đỏ mà loại thực phẩm này được ví như "vàng đen" thu hút giới sành ăn
Theo Dân trí