Nằm trùm lên diện tích của hai quốc gia Nam Mỹ rộng lớn là Peru và Bolivia, lại bung biêng ở độ cao 3.812 m so với mực nước biển, nhân loại tiến bộ gọi con hồ rộng lớn nhất Nam Mỹ Titicaca là hồ nước ngọt cao nhất thế giới mà con người có thể đi thuyền và sinh sống trên đó được.
Các đảo nổi kỳ lạ đã thu hút khách du lịch từ khắp địa cầu. Ảnh: Đ.D.H
Từ Việt Nam, đi gần như trọn nửa vòng trái đất, sau hơn 30 giờ bay nối tiếp nhau trên bầu trời, đúng 5 lần bước lên và bước xuống 5 chiếc máy bay khác nhau, chúng tôi mới đến được thành phố Juliaca của Peru. Từ đây, chỉ thêm 1 giờ xe chạy là đến đô thị cổ xinh đẹp Puno soi mình bên kỳ quan nhân loại hồ Titicaca.
Với độ cao khoảng 4 nghìn mét so với mực nước biển, lại lạnh buốt khô hanh, dù ở khách sạn hay đi bát phố, chúng tôi phải bắt chước người bản địa, liên tục nhai lá coca để thêm đô-ping cũng như sức chống chọi với hội chứng độ cao. Nhiều người, trong đó có tôi, phải sử dụng bình thở ô-xy, vì không chịu nổi không khí loãng.
Cuộc sống hồn nhiên trên các hòn đảo hoàn toàn làm bằng lau sậy và nổi bồng bềnh trên mặt hồ 8.000km2. Ảnh: Đ.D.H
Sau vài ngày, quen dần với sự tinh khiết, cao vòi - tương đương với Bhutan hay Tây Tạng - của Puno, tôi và anh bạn Lê Nguyên Tùng - hai gã người Việt - bèn nhằm hướng mặt hồ xanh trải dài không thấy đường chân trời thẳng tiến.
Một trong những thứ gây tò mò nhất ở Titicaca, ấy là thăm các đảo tết bằng lau sậy, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ, cõng trên mình các cụm dân cư sặc sỡ sắc màu. Và những hòn đảo có thể di chuyển được khi “có biến”. Tập tục này có từ thời vương quốc cổ xưa và hùng mạnh nhất với nền văn minh sáng rỡ nhất Nam Mỹ còn tồn tại.
Cuộc ghé thăm bộ tộc Uros đầy xúc cảm
Điều rất ngạc nhiên là đảo tết bằng lau sậy có đến hơn chục người hoặc cả chục gia đình sinh sống; và hồ Titicaca cõng trên lưng mình đến gần bốn chục cái hòn đảo nổi như thế này. Cứ 6 tháng một lần, bà con bộ tộc Uros lại phải cắt lau sậy, cỏ lác để bồi thêm cho mặt đảo, kẻo lớp lau sậy phía dưới mặt nước lạnh bị ải mục và đảo có xu hướng chìm dần. Nếu “bồi thêm” các lớp lau sậy tốt, thì một đảo nổi có thể tồn tại tới 30 năm.
Thuyền bè, vật dụng thường mang hình các loài linh vật mà bộ tộc này tin rằng: chúng sẽ đem đến bình yên cho cuộc sống của họ. Vịt trời sấy khô là món ăn truyền thống. Với ống kính góc rất rộng, leo lên đài quan sát, khách có thể hình dung toàn cảnh của các hòn đảo nhỏ tết bằng cỏ lau sậy kiểu này. Ảnh: Đ.D.H
Thuyền bè to như tàu chiến thời Tam Quốc, cũng tết bằng lau sậy. Trang phục, đồ đạc, nhà cửa, các món hàng thủ công mỹ nghệ, tất tật làm bằng cỏ rả lau sậy hết. Một nền văn hóa, văn minh thơm nức mùi lau sậy theo đúng nghĩa đen. Họ chăn nuôi và săn bắt “bền vững”, cá khô và những con vịt trời sấy thơm nức là đặc sản nổi tiếng trong vùng. Có đến 500 người, gần một nửa bộ tộc Uros vẫn sống trên các đảo nổi “trần gian có một” dạng này.
Chúng tôi chứng kiến bà con hằng ngày đi cắt lau sậy về, chế biến ra đủ thứ. Cẩn trọng nhất là phi vụ nấu nướng, họ kê đá rất khéo để củi lửa tưng bừng mà không làm cháy hòn đảo khô ron vàng óng toàn lau sậy của cộng đồng. “Bất cẩn sử dụng lửa” một cái thì có khác gì hỏa thiêu Xích Bích thời Tam Quốc chí.
Thời mới, bà con làm cả nhà nghỉ kiểu homestay, có loa phóng thanh, sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời. Làm du lịch rất bài bản, ca hát nhảy múa tưng bừng. Chẳng một khách lãng du nào đủ sức từ chối một đêm ngắm sao trời giữa mặt hồ rộng tám nghìn cây số vuông, trùm lên biên giới hai nước Peru và Bolivia như thế. Và chúng tôi cũng vậy, bên bếp lửa hồng, ngắm đời lênh đênh, những rặng núi tuyết sáng bóng phía cuối mặt hồ sương khói, nơi ấy là Bolivia…
Hình ảnh những người phụ nữ da ngăm đem, nồng nhiệt đón và tiễn khách xa, trên hòn đảo bằng cỏ rả lau sậy nổi bồng bềnh thật khó quên! Ảnh: Đ.D.H
Đỗ Doãn Hoàng/ dulich.laodong.vn