Hơi thở tạo thành những đám khói mờ đục rồi tan nhanh vào lớp không khí luôn lạnh hơn cả nước đá, dù là cỏ hay lá trên cành đều sẽ khô ráp và đọng những giọt băng trong trẻo. Tại thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn, có bộ tộc chưa đến 100 người vẫn giữ tập tục sống du mục được truyền lại từ suốt hàng ngàn năm qua.
Nguyễn Hoàng Tuấn (1993, á khoa của ngành Nhiếp ảnh Báo chí - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cùng chiến hữu của mình là Lê Khánh Hiệp (1997, thủ khoa cùng ngành) đã có một chuyến đi để đời đến Mông Cổ. Tại đây, cả hai đã có cơ hội được khám phá cuộc sống của người dân du mục và chia sẻ hiểu biết của mình qua những bức ảnh đầy tính nghệ thuật.
Những chiếc lều tròn của người Kazakh dựng lên giữa cao nguyên lạnh giá. Tại đây, họ duy trì một lối sống khác xa với đời sống hiện đại, huấn luyện đại bàng săn mồi và di chuyển trên lưng ngựa. Truyền thống đi săn với đại bàng của họ được cha truyền con nối trong suốt chiều dài lịch sử tới hiện tại.
Trên những cao nguyên bát ngát
Tại xứ sở chìm trong băng giá suốt 6 tháng, cuộc sống du mục của người Kazakh diễn ra thật bình dị bên dưới những đôi cánh đại bàng và bên trên những cặp sừng tuần lộc. Lối sống du mục được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ từ suốt 4.000 năm nay, họ sống cách biệt với thế giới bên ngoài: không điện, không nước.
Cuối mùa thu, khi tài nguyên thiên nhiên không còn đủ để nuôi sống người trong bộ tộc cùng thú nuôi, họ bắt đầu lên đường di chuyển về phía nam - nơi có điều kiện nhiệt độ ấm hơn và còn nhiều thứ để ăn hơn. Bộ lạc thuộc tộc người Kazakh với dân số chưa đến 100, di chuyển hàng trăm cây số mà không cần lên kế hoạch cho hành trình.
Trong hàng tháng di chuyển xuống phương nam, bộ lạc đã dừng chân lại tại cánh rừng già Taiga. Ở đây, Tuấn và Hiệp đã có 14 ngày cùng chung sống với người dân bản địa. Chia sẻ về chuyến đi táo bạo, Hoàng Tuấn cho biết mình đã ấp ủ dự định đến Mông Cổ từ rất lâu vì ấn tượng với lối sống du mục của họ.
Bazarbai Matei năm nay 26 tuổi. Matei là một trong những người huấn luyện đại bàng đi săn rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm ở tỉnh Bayan Olgii.
Ngoài ra, vì là sinh viên “cá biệt”, bị đình chỉ học và tạm ngừng việc học giữa chừng, nên Tuấn mong muốn sản phẩm tốt nghiệp của mình phải thật khác biệt. Khi đặt chân đến Mông Cổ cùng người bạn của mình là Khánh Hiệp phải nhanh chóng tìm kiếm nhân vật cho bộ ảnh.
Vượt quãng đường dài 8.000 km từ Hà Nội đến vùng đất Trung Á, đôi bạn phải vượt thêm hàng chục cây số nữa để ghé thăm từng gia đình trong các bộ lạc nhỏ, những nhóm người này sống cách nhau từ 3 đến 4 km. Cuối cùng, cả hai gặp được anh Bazarbai Matei, anh ngay lập tức nhận lời khi được ngỏ ý chụp ảnh.
Matei đã đoạt được rất nhiều giải thưởng về huấn luyện đại bàng. Đặc biệt là huy chương bạc huấn luyện đại bàng đi săn Châu Á và huy chương đồng huấn luyện đại bàng đi săn thế giới.
Matei là một người huấn luyện đại bàng săn, từng đạt nhiều huy chương và giải thưởng cấp thế giới, vì vậy anh không ngại lên ảnh và bộ ảnh được diễn ra cũng không quá khó khăn. Để ghi lại được những khung hình sống động và chân thật nhất, Tuấn đã phải xin ở lại, cùng ngủ, cùng ăn với gia đình anh Matei.
Đối với người Mông Cổ, một con ngựa phóng nhanh như gió và một con đại bàng vút tựa phi lao chính là đôi cánh của dân du mục. Mỗi khi đi săn, người Kazakh di chuyển bằng ngựa trong khi trên cánh tay là một con đại bàng to lớn, ưỡn ngực để phô trương hết sức mạnh của mình.
Khi người chủ hất tay để tung chú đại bàng lên cao, chú ta ngay lập tức vỗ cánh rồi liệng một vòng thật đẹp trước khi lao sà xuống tóm lấy con mồi với tốc độ nhanh nhất có thể lên đến 200 km/giờ. Với móng vuốt uốn cong và sắc nhọn, gần như không một con mồi nào có thể thoát được khi đã xấu số lọt vào tầm ngắm của chúa tể bầu trời.
Nửa tháng “làm dân Mông Cổ”
Bazarbai Denislom (5 tuổi) là con trai của anh Matei. Niềm vui của cậu bé Denislom là được cùng cha chơi đùa với bầy chim và đàn cừu. Vì trường học ở khu vực trung tâm cách xa nhà khoảng 130 km và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cậu không được đi học.
Từ nhỏ, cậu bé đã được cha cho một con chim ưng nhỏ để tập luyện. Cuộc sống du mục nay đây mai đó khiến nguồn nước của họ phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Hàng ngày, cha con nhà Bazarbai cùng nhau cưỡi ngựa đi lấy nước từ những hồ đã đóng băng về sử dụng.
Bazarbai Denislom năm nay 5 tuổi là con trai của Bazabai Matei. Vì trường học ở khu vực trung tâm cách xa nhà cậu bé khoảng 130km và do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cậu không được đi học.
Đi cùng Tuấn có một người bạn Mông Cổ đã từng sống ở Việt Nam 4 năm để giúp đỡ trong quá trình giao tiếp, dù vậy họ vẫn gặp một số rào cản ngôn ngữ nhất định. “Kazakh thuộc dân tộc thiểu số ở Mông Cổ nên họ không nói tiếng phổ thông. Thêm nữa, tiếng Việt của bạn đi cùng cũng không quá tốt. Cuối cùng phần lớn chúng mình phải giao tiếp bằng cử chỉ”, Hoàng Tuấn chia sẻ.
Trên băng tuyết lạnh buốt vang lên tiếng cười giòn tan của cậu bé và giọng ấm áp của người cha trẻ, khuôn mặt lạnh lùng, dáng vẻ hùng dũng của người huấn luyện đại bàng đi săn đã thay thế bằng sự hiền từ và tình yêu thương khi bên cạnh con trai mình.
Trong nửa tháng “làm người Mông Cổ” của đôi bạn, cả hai đã gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười vì bất đồng văn hóa và khác biệt về lối sống. Người Kazakh sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, họ không tiếp cận với công nghệ hiện đại.
“Có hôm hai anh em nằm trong lều kín để ngủ mà lại đốt sưởi, lần đó cả hai suýt bị nướng chín vì bên trong rất nóng và bí. Nhưng lại có đêm rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống đến -30 độ C, chai nước để đầu giường hay chai thuốc đem theo cũng hóa băng, không dùng được nữa”, Tuấn nhớ lại.
Từ nhỏ cậu bé đã được cha cho làm quen với chú chim ưng loại nhỏ.
“Nói về những ngày ở Mông Cổ thì không thể nói là khó khăn, mà là vô cùng khó khăn, bởi vì có rất nhiều chuyện phát sinh trên đường mà không thể lường trước được. Nhưng phong cảnh tuyệt đẹp ở từng nơi đi qua tạo thêm năng lượng cho cả mình và Tuấn, nên cuối cùng thì mọi khó khăn cũng hóa không”, Khánh Hiệp chia sẻ.
Cả hai cũng không quên được những bữa ăn đậm chất dân du mục Mông Cổ. Gia đình anh Matei chiêu đãi khách bằng cách làm thịt hẳn một con cừu, da thì dùng để may quần áo, thịt thì thái thành từng mảng rồi trụng nước sôi và ăn ngay. Cuối cùng, đôi bạn phải lôi va li mì tôm, đồ hộp ra để dùng.
Loài tuần lộc được bộ lạc Tsaatan nuôi dưỡng rất gần gũi và thân thiện với những đứa bé trong bộ lạc. Ở nơi đây những đứa trẻ có thể cưỡi, cho ăn hay ngủ bên chúng mà không phải lo lắng điều gì.
Những thủ khoa đầu tiên
Là một trong những sinh viên đầu tiên của ngành Nhiếp ảnh Báo chí, nhưng Hoàng Tuấn mất đến 7 năm mới được “mời ra khỏi trường”. Theo Tuấn chia sẻ, “Trước đó, mình đã theo học ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật tại trường nhưng bị đình chỉ một năm. Lúc này, nhà trường mở ngành học mới nên mình quyết định học lại từ đầu”.
Học cùng khóa với Hoàng Tuấn là Khánh Hiệp, cả hai xuất sắc trở thành á khoa và thủ khoa tốt nghiệp của ngành học mới của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhờ vào sản phẩm được đầu tư cực xịn của mình.
Nguồn nước chính của bộ lạc được lấy từ tuyết, vào mùa đông họ sẽ du mục đến nơi có tuyết và dùng nó để đun lấy nước sinh hoạt.
Trong khi Tuấn chọn đề tài là cuộc sống của người Kazakh dưới những đôi cánh đại bàng, thì người bạn thủ khoa chọn góc nhìn về tộc người này cùng những chú tuần lộc. Dù khai thác các khía cạnh khác nhau, nhưng bộ ảnh của hai sinh viên xuất sắc nhất khoa vẫn cho người xem thấy được phần nào lối sống du mục của dân bản địa.
Huấn luyện đại bàng rồi cùng nhau phi ngựa, tự do du sống trên thảo nguyên Mông Cổ là niềm hạnh phúc của những người Kazakh. Họ chung sống với tự nhiên đúng nghĩa, họ chỉ giữ đại bàng bên mình đến một thời điểm nào đó rồi lại trả chúng về với tự nhiên để tiếp tục sinh sản, duy trì nòi giống cho các thế hệ con cháu sau này.
Cha và con người Kazakh sẽ luôn rong ruổi trên yên ngựa và bên dưới cánh đại bàng để tiếp tục giữ gìn truyền thống văn hóa của bộ lạc vốn đã được duy trì suốt 4 thiên niên kỷ qua.
Theo saostar.vn