Với nhiều người Việt Nam, cái tên Hoàng Hạc Lâu khá quen thuộc, bởi nó đã đi vào thi ca của cả Trung Quốc và Việt Nam. Không chỉ các nhà thơ nổi tiếng đời Đường, như Thôi Hiệu, Lý Bạch... đã từng đến đây và để lại những dòng thơ bất hủ, khiến danh thắng này "lưu danh thiên cổ", mà đại thi hào Nguyễn Du trong lần đi sứ nhà Thanh cũng từng cho ra đời thi phẩm “Lầu Hoàng Hạc” trong “Bắc hành tạp lục” khi đi qua nơi này.
Theo tài liệu văn học Trung Quốc, đã có khoảng 300 bài thơ tả cảnh lầu Hoàng Hạc. Nơi đây được ví là “tượng đài thi ca” của Trung Quốc, nơi Thôi Hiệu đề thơ, Lý Bạch gác bút, Khổng Minh mượn gió đông. Tuy nhiên, tòa lầu này ban đầu khi xây dựng lại không phải là nơi vịnh thơ, ngắm cảnh.
Chị Tống Quân, hướng dẫn viên tại đây giới thiệu: “Hoàng Hạc Lâu đã có cách đây hơn 1700, gần 1800 năm lịch sử. Tòa lầu này được xây từ thời Tam Quốc, được quân chủ nước Ngô - Tôn Quyền xây làm đài quan sát dùng vào mục đích quân sự bên sông ở thành Vũ Xương. Trong lịch sử, Hoàng Hạc Lâu đã từng nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại. Hoàng Hạc Lâu ngày nay được trùng tu vào năm 1981 do giáo sư Hướng Hân Nhiên của Viện thiết kế kiến trúc Trung Nam Vũ Hán thiết kế”.
Quả không quá khi nói Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng nhờ thi ca, bởi cũng theo chị Tống Quân, ngày nay người ta chỉ có thể nhìn thấy mô hình phục dựng tòa lầu này của triều đại nhà Tống và nhà Thanh ở Trung Quốc, còn đời Đường những ký ức còn lại về lầu Hoàng Hạc chỉ là những dòng thơ.
Địa điểm này vốn từ lâu đã là biểu tượng văn hóa của Vũ Hán, nơi mỗi du khách đến đây đều không thể bỏ qua. Đặc biệt, giờ đây, Hoàng Hạc Lâu không chỉ còn được biết đến qua thi ca, mà cùng với Vũ Hán nó còn được nhắc tới bởi liên quan đến đại dịch Covid-19.
Một du khách người Hà Nam, Trung Quốc đã chọn Vũ Hán cho chuyến đi nghỉ 15 ngày nhân dịp năm mới của mình và Hoàng Hạc Lâu là một điểm dừng chân trong hành trình này.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi thấy Vũ Hán kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nên đã quyết định đến đây du lịch. Đến Vũ Hán là phải ngắm sông Trường Giang, thăm Hoàng Hạc Lâu. Cảm nhận chung rất ổn”.
Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, danh thắng vốn luôn có hàng vạn du khách đến thăm này bốc chốc không một bóng người. Nó chỉ được mở lại sau khi thành phố dỡ bỏ phong tỏa.
Bà Vương Hồng Niệm, phụ trách marketing Ban Quản lý Công viên Hoàng Hạc Lâu cho biết, nơi này chính thức mở cửa trở lại vào 29/4/2020. Trong tháng đầu tiên, mỗi ngày chỉ có khoảng 1.500 du khách đến đây, tương đương 1/10 hàng năm.
Từ tháng 8, sau khi chính quyền sở tại miễn phí vé vào cửa để kích cầu du lịch, lượng khách mới tăng lên hơn 10.000 người/ngày. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2020, do phải hạn chế lượng khách, mỗi ngày nơi đây đã đón tiếp khoảng 30.000 người, ít hơn thường lệ 10.000 người.
Mặc dù có thể đón tiếp tối đa 50.000 người/ngày, song hiện nay do yêu cầu phòng dịch, Hoàng Hạc Lâu không được đón khách vượt 75% khả năng cho phép, tức không quá 35.000 lượt khách mỗi ngày.
Giờ đây, với Vũ Hán và cả Hoàng Hạc Lâu, phòng dịch vẫn là yêu cầu hàng đầu. Bà Niệm nói: “Thứ nhất, tất cả những người vào đây, dù là nhân viên hay du khách đều phải xuất trình mã sức khỏe và đo nhiệt độ. Thứ hai, nhân viên làm việc tại đây phải tiến hành xét nghiệm định kỳ. Thứ 3, chúng tôi phải thực hiện các biện pháp chống dịch thường xuyên, như khử trùng toàn khu mỗi ngày trước khi mở cửa và sau khi đóng cửa. Những nơi tay chạm nhiều như lan can, tay nắm cửa nhà vệ sinh đều phải lau khử trùng”.
Một năm đã trôi qua, nhưng những tác động của đại dịch Covid-19 đối với Trung Quốc và thế giới vẫn hiện hữu, thậm chí dịch bệnh đang có chiều hướng trở nên phức tạp hơn. Cái tên Vũ Hán và Hoàng Hạc Lâu lại một lần nữa đi vào lịch sử, nhưng với tư cách là một “chứng nhân” của nơi đầu tiên bùng phát dịch trên toàn cầu.
Bích Thuận, Đinh Tuấn / VOV Bắc Kinh