Nhà rông truyền thống cao vút tới 22m
Đặc sắc làng cổ
Cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 8km, làng Kon K’Tu (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một ngôi làng cổ tập trung nhiều người Ba Na còn lại sau rất nhiều biến động của cuộc sống. Đó là ngôi làng cổ còn giữ lại hầu như nguyên vẹn những ngôi nhà cũ trên miền cao nguyên. Tuổi của làng cũng cao như những người cao tuổi nhất ở đây.
Trước năm 1920, làng rất đông dân sống vui vẻ bên nhau nhưng rồi qua một trận dịch đậu mùa, người chết quá nhiều nên những người còn khỏe cũng sợ hãi bỏ làng ra đi. Cơn đại dịch lắng xuống, những người sống sót tìm về làng cũ nhưng chỉ còn lại mấy gia đình nhỏ bám trụ. Thời gian dần trôi, nơi đây dần trở thành làng đông đúc với trên 100 hộ và khoảng 600 khẩu như hiện nay.
Già làng A Xép của làng Kon K’ Tu
Già làng A Xép giải nghĩa, Kon K’Tu tiếng Ba Na có nghĩa là làng cũ, cổ xưa. Kon K’Tu chứa đựng niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vì theo quan niệm của họ, ở giữa sông dữ và núi hiểm, ở đâu có người Tây Nguyên lập làng thì ở đó chắc chắn có địa thế phong thủy tốt, đất đai canh tác màu mỡ, không bị khô hạn.
Nếu như hầu hết các làng ở Tây Nguyên chịu sự tác động của sự phát triển kinh tế, dần đánh mất đi nét văn hóa đặc sắc, mất đi kiến trúc làng, thì Kon K’Tu vẫn giữ được kiến trúc “làng tròn” với mô hình các nhà đều xây dựng xung quanh nhà rông chính của làng. Đây là kiến trúc cổ của các làng dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà rất ít làng còn giữ lại. Đó có lẽ Kon K’Tu là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Nguyên hiện nay.
Với già làng A Xép, dù cuộc sống đã có nhiều đổi mới, có nhiều ngôi nhà mới khang trang, nhưng Kon K’Tu vẫn là ngôi làng của mình, với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: Cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng, tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại dù chỉ là một chiếc đinh. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng, lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào nhưng đều quây lấy nhà rông như gà con quây gà mẹ. Đó là ngôi nhà rông Ba Na truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng lên từ mấy mươi đời với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay.
Làng Kon K’Tu hiện vẫn còn trên 20 nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống như thế. Nhà sàn của đồng bào Ba Na hình chữ nhật, chiều dài trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột được chia đều mỗi bên 6 cây để tạo nên sự vững chãi, cân bằng. Người làng thường dựng cột nhà sàn bằng gỗ cà chít, có nhà làm bằng gỗ hương, gỗ trắc..., rất bền chắc. Trong những ngôi nhà dài, có 3-4 đời người Ba Na sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc và là niềm tự hào của người Ba Na.
Người làng với đời sống thường nhật, nơi ngày ngày mẹ cha lên rẫy, những đứa trẻ đi theo
Người làng với đời sống thường nhật, nơi ngày ngày mẹ cha lên rẫy, những đứa trẻ đi theo
“Người mẫu” của làng cổ
Kon K’Tu bây giờ được coi là làng văn hóa cổ nhất Tây Nguyên. Trong ngôi làng ấy, già làng A Xép bỗng dưng trở thành “người mẫu xịn” của làng, cho những nghệ sĩ chụp hình giữa những ngôi nhà sàn và nhà rông. Suốt gần 20 năm qua, chẳng hiểu vì đâu người nơi khác đến làng nhiều thế, người ta thích thú thấy già A Xép với chòm râu bạc, đôi mắt tinh anh, dáng người tráng kiện trong bộ áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T, vác chiếc rìu lên rẫy, hình ảnh đại diện cho văn hóa Tây Nguyên. Họ chụp ảnh già. Già A Xép làm “người mẫu bất đắc dĩ” phục vụ cho những nhiếp ảnh gia. Nhiều người bảo già A Xép là người nổi tiếng nhất làng. Già chỉ cười bảo: “Chỉ mong cái áo, cái khố này lên hình đẹp, chỉ mong nhà rông này lên hình đẹp, để nhiều người biết tới làng mình hơn, nhiều người yêu văn hóa truyền thống Ba Na hơn, để truyền thống Ba Na còn giữ được mãi”.
Những ngôi nhà cổ nơi đây, lắng một lời nguyền giữ ngọn lửa để cùng duy trì sự sinh tồn của cộng đồng Kon K’ Tu
Bây giờ, khi cuộc sống đổi thay nhiều, làng cổ Kon K’Tu vẫn nằm men theo dãy núi phía bờ sông Đắk Bla, ở đó thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống, những nếp nhà nhỏ đơn sơ và bình dị, xen lẫn một vài khu du lịch homestay. Những năm gần đây, Kon K’Tu có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống trường học, các dự án vay vốn xóa đói giảm nghèo, nhưng làng cổ vẫn giữ được vẻ đẹp của bao đời.
Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, mấy chiếc thuyền độc mộc lại nhẹ lướt trên dòng Đắk Bla, đưa những người dân trở về sau một ngày làm việc trên nương rẫy, mang theo gánh củi khô, gùi rau rừng để dùng cho bữa tối. Bên dòng nước, nhiều người tranh thủ tắm giặt, trẻ con nô đùa trên bãi cát ven bờ. Khung cảnh thật đẹp về một cuộc sống bình yên mà thi vị giữa chốn núi rừng Tây Nguyên.
Già A Xép ngồi bên nhà rông, tay tỉ mẩn lau vết bụi trên một thân gỗ. Già bảo đây là cái cột chính của nhà rông. Đứa trẻ bên cạnh cất một tràng tiếng Ba Na, già A Xép xoa đầu không đáp, rồi lặng lẽ nhìn mông lung ra phía trước, nơi trước đó là cả một khoảng không rộng lớn cùng nhà rông vững chãi với mái cong cao vút lừng lững giữa trời xanh thẫm. Trong thấp thoáng trí nhớ của già làng chắc lại hiện về cái khung cảnh đêm xoang rừng rực lửa, tiếng chiêng tiếng cồng rộn cả các làng bên, điệu xoang vui thâu đêm suốt sáng, trai gái Ba Na ngả nghiêng say men rượu cần. Đó là linh hồn của làng, linh hồn của người Ba Na nghìn đời qua vẫn còn tiếp diễn đến hôm nay và cả mai sau nữa.
Theo Petro Times
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |