Xuất phát điểm là một thị trấn nhỏ bé, kém phát triển với dân số chưa đầy 2000 người, diện mạo của Hay-on-Wye thay đổi kể từ năm 1961, khi một người dân tên là Richard Booth mở một hiệu sách cũ trong một trạm cứu hỏa.
Ông Booth lên ý tưởng về việc xây dựng một thị trấn sách. Ông đã thu mua sách từ những thư viện cũ của Mỹ, đóng thành container rồi chuyển về Hay-on-Wye. Lúc đó, ông Booth mua tất cả các loại sách vì ông tin rằng mọi cuốn sách đều có giá trị và sẽ có người cần đến chúng.
Hưởng ứng kế hoạch táo bạo của ông Booth, cư dân của thị trấn Hay-on-Wye cùng tham gia. Họ dựng lên những sạp sách, mở tiệm và nhiều kiểu khác để bán ở khắp mọi ngóc ngách của thị trấn. Đến những năm 1970, Hay-on-Wye đã có hơn 40 hiệu sách lớn, chủ yếu là sách cũ, khiến thị trấn này trở thành địa danh nổi tiếng thế giới với tên “Thị trấn sách”.
Sách có ở khắp mọi nơi trong thị trấn Hay on Wye. Ảnh: 24h.com.vn
Giữa vô số các hiệu sách ở Hay-on-Wye, chuỗi “Tiệm sách Thật thà” là lạ kỳ và thú vị nhất. Những hiệu sách này chỉ gồm các giá sách đơn giản dựng bên tường, thường không có người trông coi. Mọi người đến đây chọn sách, sau đó bỏ tiền vào những hộp thư nhỏ bên cạnh.
Không chỉ trở thành “Thị trấn sách”, cuối tháng 5 hàng năm, kể từ năm 1988, Hay-on-Wye còn là nơi tổ chức Ngày hội Văn học Hay (Hay Literature Festival), thu hút khoảng 80.000 tác giả, nhà xuất bản và người hâm mộ văn học từ khắp nơi trên thế giới. Những năm gần đây, lễ hội này mở rộng hơn, bao gồm cả những buổi biểu diễn âm nhạc và chiếu phim.
Anh Vũ (tổng hợp)