Trải nghiệm

Khám phá tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào

07:01 - 18/07/2022
Bất chấp những khó khăn, trở ngại của đại dịch Covid-19, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào đã đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Đây là dự án có ý nghĩa lịch sử, là niềm tự hào và mơ ước của nhân dân các dân tộc Lào.

Tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Vientiane của Lào tới biên giới Trung Quốc có tổng chiều dài 426,5km với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD, được xây dựng theo cơ chế hợp tác công tư (PPP); xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT) và cơ chế hợp tác giữa chính phủ với chính phủ (G to G). Theo mô hình đầu tư này, Chính phủ Lào và Trung Quốc đã thành lập Công ty liên doanh đường sắt Lào-Trung với tỷ lệ cổ phần 30-70%.

Nhà ga thủ đô Vientiane

Tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung gồm 33 nhà ga, trong đó 21 ga sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn đầu và 12 ga sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Đối với vận tải hành khách, bước đầu sử dụng 6/10 ga với tần suất 2 chuyến/ngày. Giá vé toàn tuyến cho 1 người/chặng cao nhất là 529.000 Kip (hơn 1.100.000 VND) và thấp nhất là 333.000 Kip (gần 700.000 VNĐ). 

Tàu chở khách bên phải, tàu vận tải hàng hóa bên trái

Hoạt động vận tải hành khách sẽ diễn ra vào ban ngày, trong khi việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện vào ban đêm. Theo các nhà nghiên cứu, tuyến đường sắt sẽ cắt giảm chi phí vận tải từ 30 – 40% so với đi bằng đường bộ và sẽ rút ngắn thời gian đi từ thủ đô Vientiane, Lào tới biên giới Trung Quốc từ 48 tiếng xuống còn gần 3 tiếng và chỉ mất 1 đêm để tới Côn Minh của Trung Quốc. 

Đường sắt đơn khổ 1.435 mm

Dự án được thết kết theo tiêu chuẩn cấp 1 đường sắt đơn khổ 1.435 mm; độ dốc tối đa cho phép ở khu vực đồng bằng là 1,2% và 2,4% ở khu vực đồi núi. Tuyến đường sắt sử dụng tàu điện động lực phân tán (EMU) do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, có thể chạy với vận tốc 160km/h đối với vận tải hành khách và 120km/h nếu chở hàng với tải trọng từ 2000-3000 tấn/chuyến. 

Tàu được sơn theo màu quốc kỳ Lào với ba màu đỏ, xanh, trắng

Đoàn tàu khách gồm 9 toa, 1 đầu máy, 1 toa ăn, 1 toa hạng nhất, 6 toa phổ thông, 720 chỗ ngồi, mỗi toa tàu cao 3,1 m, rộng 4,3 m và được sơn theo màu quốc kỳ Lào với ba màu đỏ, xanh, trắng.

Bên trong toa hạng nhất

Toa hạng nhất có 56 chỗ ngồi, dài 28,4m, trọng lượng 57,7 tấn, tải trọng 5,1 tấn. Trong khi đó, toa phổ thông có 98 chỗ ngồi và dài 26,3m, nặng 52,4 tấn, tải trọng 8,9 tấn. 

Toa hành khách được trang bị tiện nghi hiện đại

Bên trong toa hành khách được trang bị ghế đệm bọc nỉ, thết kế cách điệu từ hoa Dok Champa (hoa đại) - biểu tượng của đất nước Lào. Ngoài ra, còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như bảng điện tử thông báo vị trí, tốc độ, thời tiết, ổ điện 220V, cổng sạc USB và wifi. 

Chỗ ngồi dành cho người khuyết tật có nút bấm khẩn cấp và chữ nổi cho người khiếm thị 

Toa ăn có quầy bar phục vụ đầy đủ đồ ăn, nước uống cho hành khách 

Một nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật và trẻ em 

Do địa hình phía Bắc Lào chủ yếu là đồi núi, dốc cao và để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như an toàn cho tàu, đơn vị thi công đã xây dựng 170 cây cầu với tổng chiều dài là 69,2 km, 75 đường hầm tổng chiều dài 197,6km, trong đó có một đường hầm dài 9,5 km.

Một trong những cây cầu phục vụ đường sắt cao tốc. Ảnh: Đài phát thanh Lào 

Một đường hầm trên tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung. Ảnh: Đài phát thanh Lào 

Tuyến đường sắt có 8 trạm phát điện 10Kv để cung cấp điện năng cho tàu hoạt động, sử dụng 1.214 Km cáp điện và hơn 13.400 cột điện. 

Tuyến đường sắt có 8 trạm phát điện 10Kv để cung cấp điện năng cho tàu 

Ngoài ra, mạng lưới thông tin liên lạc thông minh, truyền tải tín hiệu số giúp cho nhân viên điều khiển có thể kiểm soát được hành trình, tốc độ, khoảng cách giữa đoàn tàu trước và sau trong suốt thời gian tàu chạy. 

PV/VOV Vientiane