Lặng lẽ ngắm nhìn hàng nghìn ngôi đền, ngôi chùa, bảo tháp, tượng Phật trong sắc vàng lung linh của ánh hoàng hôn, thả hồn trôi theo nhịp mái chèo khua trên sóng nước Inle bởi đôi chân điệu nghệ, trầm mặc tịnh tâm nghe tiếng kinh cầu dưới tháp chuông chùa vàng…
Sống chậm ở Myanmar
Chuyến bay Hà Nội - Yangun chừng hơn hai tiếng, nhanh tới độ hương vị bữa cà phê sáng với những cảm xúc về một Hà Nội ồn ào, tấp nập vẫn còn vương trên môi khi tôi đến sân bay Yangun, thủ đô một thời của xứ sở chùa vàng - Myanmar.
Mingalarbar, câu chào dường như luôn chờ sẵn cùng nụ cười hiền của những cô gái Myanmar chào đón chúng tôi đến Yangun. Và rồi câu chào thân thiện ấy cứ theo chúng tôi suốt từ khi hạ cánh xuống sân bay cho đến khi kết thúc hành trình khám phá xứ sở chùa vàng.
Hai ngày là quá ngắn để khám phá Yangun, thành phố lớn nhất và từng là thủ đô của Myanmar, trước khi thủ đô Naypyidaw được xây dựng. Yangun một thời được mệnh danh là London của Đông Nam Á. Thả bước lang thang trên đường phố Yangun khiến ta có cảm giác như đi lạc vào một thành phố cổ xưa với những ngôi nhà có tuổi đời có lẽ đã hàng thế kỷ, với lối kiến trúc mang dáng dấp văn hóa “mẫu quốc” Anh.
Những khu nhà tập thể vuông vắn và phai bạc hay xanh xám cũ kỹ với chi chít “lồng chim” bám xung quanh như những ngôi nhà tập thể cũ tại Hà Nội. Dưới chân cầu thang những ngôi nhà ấy, người dân tụ tập bên ly nước, nhai trầu bỏm bẻm, “buôn” chuyện thường ngày. Trên sân đàn bồ câu gật gù nhặt thức ăn, thỉnh thoảng lại vụt bay lên, chao liệng một vòng rồi hạ xuống mỗi khi có người tung nắm hạt ngô.
Chùa vàng Swedagon Zedi Daw là niềm tự hào của Yangun và cả đất nước Myanmar, bởi đây là ngôi chùa với tháp vàng khổng lồ cao 99m, cao nhất thế giới. Bao quanh tháp là 1.000 ngôi chùa nhỏ, trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá. Lịch sử ngôi chùa ghi rằng: Nội thất của ngôi chùa được dát bởi 8.690 lá vàng cực mỏng. Phần tháp trung tâm được phủ bởi 9.300 lá vàng với tổng khối lượng lên tới 500kg. Toàn bộ ngôi chùa được đính 5.450 viên kim cương, 2.320 viên hồng ngọc, lam ngọc. Tổng số vàng được dát, chạm khắc trên những đồ tế lễ hiện nay ước tính 60 tấn, đã hao hụt theo thời gian khoảng 30 tấn so với con số ban đầu.
Chiều 14 âm lịch trong chùa vàng Swedagon Zedi Daw, tiếng chuông chùa chậm như bước chân người lễ Phật khiến cho không gian tấp nập mà vẫn không ồn ào, không chen chúc bức bí, hương khói mà không ngột ngạt, từng người xếp hàng khấn lễ chẳng bon chen. Tan khóa lễ, người dân Yangun còn có thói quen trải chiếu, mở đồ ăn sẵn mang theo từ nhà để cùng ăn tối ngay tại sân chùa, chờ đón trăng lên.
Cuộc sống ở bất cứ đâu trên đất nước Myanmar cũng đều cho tôi cảm giác chậm rãi, chậm như chuyến xe lắc lư suốt 1 đêm mới đi hết chặng đường gần 200 cây số, chậm như cú rạp mình lấy đà lên dốc của người đạp xe đạp Trisaw gồng mình đưa khách đi thăm một thị trấn vương buồn, Bago - Mon state, nơi có tảng đá vàng chon von kỳ lạ, và chậm như chính bước chân đu đưa của người phu kiệu đưa du khách lên với tảng đá vàng. Cuộc sống mang trong nó bao điều bí ẩn mà lại giản dị vô cùng.
Thị trấn Kyaiktiyo, nơi có ngôi chùa Kyaiktiyo (còn gọi là Golden Rock, chùa Đá Vàng) nằm trên đỉnh núi Kyaiktiyo (còn gọi là Kelasa) ở độ cao 1.100m, nhỏ nhắn chỉ với 2 dãy phố với những quán hàng hầu như chỉ phục vụ du khách, những người hành hương lễ Phật. Chặng đường từ trạm dừng nghỉ ở trung tâm thị trấn Kyaiktiyo đến Golden Rock phải di chuyển bằng một loại phương tiện đặc biệt, xe tải. Dù là dân thường, du khách hay các vị tăng lữ đức cao vọng trọng thì cũng vẫn phải lên đỉnh núi bằng cách ngồi thùng, ngồi nóc, thậm chí bám hai bên sườn xe tải cũ kỹ để lên núi. Rồi từ độ cao 700m cho đến đỉnh, người hành hương, du khách có thể đi bộ, cũng có thể lựa chọn một dịch vụ đặc biệt chỉ có ở đây: kiệu người lên núi.
Tảng đá thiêng Golden Rock đã nằm đó chênh vênh trên một mỏm đá khác qua 2.000 năm lịch sử, sát ngay mép núi, thoạt nhìn có cảm giác đẩy tay là rơi nhưng lại vô cùng vững chãi. Trên đỉnh có đặt một tháp thờ cao khoảng 7,3m. Golden Rock nổi tiếng bởi sự chênh vênh (phần tiếp xúc với núi chỉ vỏn vẹn 78cm2) và bề mặt được dát vàng theo thời gian bởi những người hành hương lễ Phật. Chùa Kyaiktiyo và tảng đá thiêng Golden Rock được xem như một trong những kỳ quan của đất nước chùa vàng.
Những ngôi chùa, đền tháp ngàn năm tuổi ở Old Bagan
Cố đô Bagan là vùng đất cổ nổi tiếng linh thiêng và thanh bình với hàng ngàn ngôi chùa chiền, đền tháp. Mỗi ngôi đền đều có nét kiến trúc riêng vô cùng độc đáo. Hơn nữa, các chùa chiền, đền tháp nơi đây có điểm chung là rất đồ sộ, cất chứa trong nó biết bao điều kỳ bí về văn hóa, tôn giáo và cả những điều huyễn hoặc. Mỗi ngôi đền tháp đều là một di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bởi vậy, Old Bagan được biết đến như một thành phố di sản cổ kính, nơi mà bất kỳ ai đặt chân đến Myanmar cũng mong muốn được ghé thăm.
Old Bagan từng là kinh đô hưng thịnh nhất của vương quốc Pagan giai đoạn thế kỷ 11-13, và là nơi đầu tiên thống nhất các lãnh chúa, hợp thành đất nước Myanmar. Old Bagan có hơn 14.000 ngôi đền bằng đất nung đã sụp đổ sau những biến cố lịch sử và trận động đất năm 1975. Hiện nay, thành phố cổ này còn giữ được hơn 2.000 ngôi đền, chùa gần như nguyên vẹn. Các ngôi đền, chùa nằm chen giữa bạt ngàn những cây neem và cây arabica, thốt nốt và các loài cây bóng mát tán rộng, có mùi thơm như hoa thiết mộc lan.
Tôi đến thăm chùa Mahabodhi, một trong những ngôi chùa nổi bật và vẫn còn nguyên vẹn sau bao biến cố lịch sử. Chùa có tên và kiến trúc rất giống với ngôi đền Bồ Đề Đạo Tràng Bodh Gaya nguyên gốc ở Ấn Độ. Bồ Đề Đạo Tràng ở Bihar Ấn Độ trước kia bị tàn phá bởi sự xâm lược của người Thổ, chính những người thợ, nghệ nhân Myanmar đã sang giúp người Ấn xây dựng lại.
Sau khi trở về Myanmar, những nghệ nhân này đã xây dựng ngôi chùa Mahabodhi theo nguyên mẫu Bodh Gaya. Bởi vậy mà chùa Mahabodhi ở Bagan có kiến trúc hoàn toàn khác biệt so với những ngôi chùa khác nơi đây, với một tầng đế và một tầng tháp. Tầng đế có gian rộng thờ Phật, các cánh cửa sơn son thếp vàng và tháp có 4 mặt với hàng trăm bức phù điêu khắc họa cuộc đời đức Phật. Cũng bởi sự khác biệt này mà chùa Mahabodhi luôn là điểm đến đầu tiên của du khách khi tới Old Bagan.
Tuy nhiên, không chỉ có chùa Mahabodhi, mà Old Bagan còn hấp dẫn du khách bởi hàng ngàn ngôi đền khổng lồ với những bức tường gạch nung dày tới hơn 2m. Đền Dhammayangyi (có tên gọi khác là Đền vận rủi) được xây vào thế kỷ 12 dưới triều vua Narathu tàn ác - người đã ra lệnh giết hại toàn bộ những nghệ nhân xây đền nào không thể ghép khít những viên gạch nung tới mức mạch vữa chỉ nhét vừa một chiếc kim khâu.
Hay ngôi đền đá Ananda là ngôi đền được xây bằng đá duy nhất ở Old Bagan, với lối kiến trúc hình thập tự và những pho tượng Phật đứng khổng lồ. Tháp chính của đền cao 54m, có bốn mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt là mỗi gian thờ với những tượng Phật cao gần 10m. Ở giữa đền có ngôi tượng Phật mà khi nhìn vào mặt tượng từ xa, cứ mỗi bước chân lại thấy nét mặt của tượng thay đổi trạng thái. Người dân Bagan tin rằng, sự khác nhau giữa những nét mặt Phật sẽ khiến cho con người ý thức được việc làm của mình khi đến nơi này và bước ra thế giới.
Sẽ là thiếu sót nếu đến Bagan mà không ghé thăm Thatbyinyu Phaya và Shwesandaw hay còn gọi là “ngôi đền mặt trời lặn”, là những ngôi đền cao nhất ở Old Bagan. Đứng trên đỉnh tháp ở hai ngôi đền này có thể nhìn thấy mọi nơi ở vùng đất cố đô tuyệt diệu này.
Đặc biệt, Shwesandaw là một ngôi đền có 5 tầng tháp và một tháp Stupa hình chuông úp trên đỉnh. Ngôi đền này được xây dựng vào năm 1057 để lưu giữ 1 trong 8 sợi tóc của Phật Thích Ca được mang về từ Ấn Độ.
Một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm những ngôi đền cổ ở thành phố Old Bagan, đó chính là những bức tranh Phật được vẽ trên tường của những ngôi đền.
Điều khiến những bức tranh này trở nên đặc biệt chính là ở chỗ nó đã được vẽ lên và tồn tại bền bỉ với thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, con người trong suốt khoảng thời gian hơn 1.000 năm lịch sử. Dù cho chất liệu để vẽ lên những bức tranh chỉ hoàn toàn được làm từ nguồn gốc thực vật, nhựa cây hoặc tro than...
Phong cách vẽ trong tranh Bagan thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái Tây Ấn giai đoạn đầu và của trường phái Verendra ở Bengal và Nepal giai đoạn trước. Nghệ thuật bích họa trên tường tại các ngôi đền đã tô điểm cho vẻ đẹp các lăng tẩm, đền đài ở Bagan.
Những ngôi đền có tranh bích hoạ được bảo tồn nguyên vẹn nhất là Patothamya, Nagayon, Abeyadana and Nanpaya. Những bức tranh này cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là một di sản không thể tách rời khỏi quần thể các ngôi đền Di sản thế giới tại Old Bagan.
Inle - bồng bềnh hồ trên núi
Một hành trình với quá nhiều đền tháp, chùa chiền và những con đường đất đỏ sẽ khiến cho cuộc khám phá thiếu đi những nét hài hòa. Bởi vậy, tôi cũng như nhiều người yêu cuộc sống xê dịch và trải nghiệm thường lựa chọn Inle lake (Hồ Inle, thuộc bang Heho) cho chặng cuối của hành trình khám phá Myanmar. Nơi đây bạn có thể tìm kiếm những điều thú vị về cuộc sống đa dạng sắc màu và những không gian văn hóa đậm chất “sơn cước” của xứ sở chân đất - chùa vàng.
Nyangshwe là một ngôi làng nhỏ của người Intha nằm kế bên hồ Inle, nơi đầu tiên trong những lựa chọn làm nơi nghỉ lại của du khách khi đến thăm hồ. Ngôi làng nối với hồ Inle bằng một con kênh lớn, đây là huyết mạch giao thông chính bằng đường thủy ra hồ Inle cũng như nơi mang nước tưới tiêu từ hồ vào các cánh đồng trong vùng. Con kênh lớn này tấp nập ghe thuyền chở cá tôm, cà chua, rau quả... từ các ngôi làng ven hồ vào và chở hàng hóa thực phẩm từ phía trong Nyangshwe ra.
Inle là hồ nước lớn thứ hai ở Myanmar với diện tích mặt hồ lên đến 250km2, nằm trên độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, giữa một vùng đồi núi rộng lớn thuộc cao nguyên Shan, miền trung Myanmar, nơi cư dân bản địa vẫn trìu mến gọi hồ nước này là “biển trong lòng núi”.
Inle hấp dẫn bởi cảnh sắc yên bình và vẻ đẹp dung dị trong cuộc sống thường nhật của những cư dân Intha, Shan, Pa-O, Danu, Taung-yo và Kayah sinh sống trong 17 ngôi làng nổi xung quanh, hoặc tại những hòn đảo, bán đảo trên hồ. Trong đó, phần lớn cư dân là người Intha và người Shan. Xung quanh vùng hồ còn có khoảng 100 tu viện và hàng nghìn tháp lớn nhỏ, nhiều tu viện nổi chỉ có thể đến bằng thuyền với kiến trúc mang đậm nét văn hóa Shan huyền bí.
Sẽ thật bất ngờ khi bạn đi thuyền trong sương sớm trên hồ Inle để bắt đầu một hành trình khám phá hồ nước tuyệt vời này. Trong màn sương mỏng mềm mại huyền ảo buổi sớm mai. Vài khe nắng nhẹ xuyên qua lớp sương mờ tạo nên những dải sáng dài lấp lánh. Những ngư dân vùng hồ đang thả lưới, vớt rêu, thu hoạch cà chua, hoa màu thủy canh với kỹ năng chèo thuyền một chân như diễn xiếc, một cách chèo thuyền độc nhất vô nhị tại nơi đây.
Phiên chợ Ywama, một khu chợ lúc nổi lúc cạn tùy theo mùa con nước với những sản vật địa phương. Rau, hoa quả, vải vóc, nông cụ và hầu hết những mặt hàng được trao đổi mua bán tại đây đều là những sản phẩm của người dân vùng hồ. Đến thăm một buổi chợ phiên Ywama, bạn sẽ dễ dàng bị mê hoặc bởi những sắc màu trầm ấm, đa dạng trong trang phục của các dân tộc khác nhau, đặc biệt là của những người Kayah, còn gọi là người Long Neck (dân tộc cổ dài).
Phụ nữ Kayah nổi tiếng khéo tay và cần mẫn. Họ chính là những người thợ dệt giỏi nhất Myanmar với những loại vải dệt từ tơ ngó sen độc đáo, mềm mại, mát mẻ khi sử dụng. Theo người dân bản xứ, phải mất 8.000 cọng sen mới dệt ra được một tấm vải có chiều rộng 0,6m và dài 2m. Mọi công đoạn đều làm bằng tay. Đàn ông Kayah lại rất giỏi nghề chạm bạc. Sản phẩm chạm bạc tinh vi, độc đáo và những thước vải mềm mại của người Kayah chính là những món quà lưu niệm đặc sắc mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm hồ.
Người đàn ông mặc Longi (một loại váy dài) đứng trên mũi thuyền thong thả dùng chân khua chèo đẩy thuyền đi như một nghệ sĩ trên mặt hồ phẳng lặng. Người phụ nữ ngồi trên thuyền thu lượm sản vật… Vẻ đẹp yên ả trên hồ Inle không làm bạn hét toáng lên khi nhìn thấy nó, nhưng sống với nó, dần dần bạn sẽ bị nó mê hoặc và chẳng muốn xa rời.
Inle không chỉ có những con sóng bồng bềnh, những ngôi làng bồng bềnh và những chiếc thuyền trôi nhẹ theo nhịp chân khua của người ngư phủ. Inle còn có cả những cánh đồng cà chua nổi trên mặt nước. Những cánh đồng cà chua bềnh bồng được tạo bằng cách lấy rễ lục bình đan lại thành lớp đáy, lớp kế tiếp là tảo biển, trên cùng là bùn đất. Phải dùng đến hàng chục nghìn cọc tre để giữ chặt khu vườn trên hồ không bị trôi đi. Phù sa của hồ là nguồn tài nguyên bất tận cho ra những quả cà chua tươi ngon đặc biệt ở Inle. Cũng bởi vậy, những món ăn đặc biệt tươi ngon được chế biến từ cà chua ở Inle đã trở thành một nết văn hóa ẩm thực đặc sắc, trở thành thương hiệu giá trị của vùng hồ trên núi ở miền trung Myanmar trong lòng du khách.
Dù đã kết thúc hành trình khám phá Myanmar nhưng mọi cảm xúc về đất nước, con người, văn hóa, tôn giáo… nơi đây vẫn như còn nguyên vẹn. Mỗi khi mở lại một tấm ảnh, xem lại một đoạn clip... là những cảm xúc lại ùa về, thúc giục bước chân trở lại “Xứ sở chùa vàng”./.
Thành Công/ Báo TNVN