Bình minh trên cố đô Bagan. Để di chuyển tới đây bạn cần di chuyển bằng hàng không từ Việt Nam tới Yangon và bắt xe khách đường dài. Một số hãng xe uy tín như JJExpress hoặc Joyous Journey. Khoảng cách giữa hai thành phố là hơn 600km.
“Mình đặc biệt thích nơi này bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, con người thân thiện và những di tích đền chùa cổ kính”, Quân nói. Một số ngôi đền nổi tiếng tại Bagan như Shwezigon, Htilominlo hay Ananda.
Những nhà sư di chuyển trên cầu Ubein tại cố đô Mandalay. Cây cầu dài 1,2 km được xây dựng vào khoảng năm 1850 và được coi là cây cầu gỗ tếch lâu đời nhất và dài nhất trên thế giới.
Ba chị em tự trông nhau cho người lớn đi làm. Ảnh chụp tại cố đô Mandalay.
Các nhà sư trong giờ học. Tại Myanmar, Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn. Cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo.
Phụ nữ Myanmar trong một phiên chợ. Theo truyền thống, phụ nữ tại quốc gia này có thói quen thoa bột Thanaka lên mặt để vừa làm đẹp và vừa bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt.
Người đàn ông mù chơi đàn trên toa tàu hỏa vòng quanh Yangon. Đức – tác giả bức ảnh chia sẻ: “Bạn nên thử đi chuyến tàu vòng quanh Yangon vì đó là cách tuyệt vời nhất để cảm nhận chân thực cuộc sống của người dân địa phương ở Myanmar”.
Chuyến tàu vòng quanh thành phố Yangon được xây dựng cách đây hơn 60 năm để kết nối các cùng ngoại ô và thị trấn, nông thôn với trung tâm thương mại. Mỗi ngày, chuyến tàu chuyên chở hơn 100.000 hành khách trên chặng đường hơn 28 dặm (hơn 45km) với 39 trạm nghỉ cho một chuyến trong khoảng 3 giờ đồng hồ.
Khu phố cổ tại cố đô Yangon. Từng nắm giữ vị trí thủ đô của Myanmar hơn 60 năm, Yangon là điểm đến hàng đầu thu hút du khách đến với đất nước này bởi văn hóa đa sắc màu giữa các bộ tộc, khu phố Chinatown và những điểm thăm quan tâm linh độc đáo.
Yangon là được mệnh danh là thành phố không xe máy, phương tiện chủ yếu ở đây chỉ có ôto và xe bus. Quân thổ lộ: “Đến với Yangon, bạn sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp cổ kính, đa văn hóa với những điểm tham quan khiến bạn bâng khuâng, không muốn rời xa”.
Các nhà sư khất thực trong buổi sáng sớm trên phố phường Yangon. Giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Campuchia, các sư Myanmar không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn bất kỳ thứ gì.
Huy Tùng/VOV.VN