Gấu trúc là bảo vật ngoại giao của Trung Quốc
Được thành lập vào năm 1987, Cơ sở hay Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Bắc Trung Quốc được xem là nơi quan trọng nhất trong việc bảo tồn và nhân giống loài vật quý này. Theo số liệu thống kê năm 2015, mỗi năm, cơ sở này đón khoảng 3 triệu du khách.
Hiện có 195 cá thể gấu trúc trong danh sách nuôi dưỡng tại Trung tâm này. Trong số đó, 95 con đang sống tại đây, số còn lại đã được các Vườn động vật nhiều nước trên thế giới hoặc các địa phương khác của Trung Quốc mượn hoặc thuê về nuôi.
Gấu trúc là loài ăn... thịt, rất hung dữ khi sống trong tự nhiên
Chia sẻ thông tin với phóng viên VOV về loài vật được liệt vào “Quốc bảo” của Trung Quốc này, cô Hoàng Tố Văn, hướng dẫn viên của Trung tâm cho biết: “Gấu trúc thuộc nhóm động vật ăn thịt, là loài ăn tạp và rất hung dữ khi sống trong tự nhiên, răng của chúng sắc không kém thậm trí như gấu Bắc Cực. Ở trong trung tâm, chúng chỉ ăn trúc và hoa quả. Mỗi ngày gấu trúc ăn 10 tiếng, ngủ 12 tiếng. Chúng vốn không lười, nhưng vì trúc sau khi được đưa vào dạ dày của gấu sẽ tiêu hóa rất nhanh, do vậy chúng phải ăn nhiều, ngủ nhiều, ít vận động để duy trì thể lực.”
Gấu trúc thông minh tới mức biết "giả mang thai"
Gấu trúc trong tự nhiên không có đối thủ và ưa sống một mình. Một con gấu trúc trưởng thành nặng trung bình 120kg, nhưng khi sinh ra chỉ nặng 120g. Gấu trúc cái rất khó tính trong việc lựa chọn bạn đời, dễ sinh non, chỉ có thể thụ thai vào 2 - 3 ngày nhất định trong năm..., do vậy việc nhân giống gặp khá nhiều khó khăn.
Gấu trúc trưởng thành có trí thông minh tương đương một đứa trẻ 5 tuổi. Do rất khó để xác định một chú gấu cái có thai hay không, nên không ít trong số chúng “giả mang thai” để được vào phòng có điều hòa, được ăn ngon và chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, gấu trúc mẹ có thể kéo dài thời gian mang thai nếu cảm thấy môi trường xung quanh không an toàn.
1 tuổi của gấu trúc tương đương 3,5 tuổi của con người
Tuổi thọ trung bình của gấu trúc sống trong tự nhiên là 18-19 tuổi, gấu trúc nuôi là 25 tuổi. Con gấu trúc có tuổi thọ cao nhất ở đây là 34 tuổi. Được biết, 1 tuổi của gấu trúc tương đương 3,5 tuổi của người.
10 năm Trung Quốc thống kê số lượng gấu trúc 1 lần. Theo số liệu thống kê năm 2013, ở Trung Quốc có 1864 con gấu trúc trong tự nhiên. Trong đó 75% ở Tứ Xuyên, 25% còn lại ở Thiểm Tây và Cam Túc. Ngoài ra, tính đến tháng 11/2018, số lượng gấu trúc nuôi trên toàn thế giới là 548 con, trong đó ở Tứ Xuyên là 482 con./.
Một số hình ảnh về Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên
Cơ sở nghiên cứu gây giống gấu trúc Thành Đô, Tứ Xuyên đang nuôi dưỡng 95 gấu trúcTại đây luôn có rất đông khách du lịch và trồng nhiều trúc, thức ăn chính của gấu
Những con gấu già, yếu hay còn nhỏ thường sống trên cao. Gấu trúc thị lực kém và thường quay lưng về nơi có ánh sáng mặt trời
Mỗi ngày, 1 con gấu trúc trưởng thành ăn tới 40kg trúc
Bạn gấu này tên là Mao Mao. Bạn ấy là nguyên mẫu của Phúc Oa (bé Phúc), linh vật của Olympic Bắc Kinh 2008
Khi sống trong tự nhiên, gấu trúc bơi rất giỏi và chạy nhanh hơn cả vận động viên điền kinh hàng đầu Trung Quốc Lưu Tường, người từng vô địch thế giới
Gấu trúc thuộc động vật ăn thịt và có hàm răng sắc nhọn. Nếu sống trong tự nhiên chúng rất hung dữ và không có "thiên địch". Gấu trúc sợ nóng, không sợ lạnh, nên khi nhiệt độ ngoài trời khoảng 26 độ C, nhân viên chăm sóc sẽ chủ động đưa gấu trúc vào nhà mát có điều hòa
Gấu trúc có trí thông minh tương đương một đứa trẻ 5 tuổi. Có chú gấu trúc ở đây được Hãng hàng không Tứ Xuyên nhận nuôi nên có máy bay riêng. Tuy nhiên chú không có cơ hội được đi chiếc máy bay này, bởi theo quy định, chú không được đưa ra khỏi cơ sở khi đã được nhận nuôi
Tính đến tháng 11/2018, số lượng gấu trúc nuôi trên toàn thế giới là 548 con, trong đó ở Tứ Xuyên là 482 con.
Bích Thuận/VOV Bắc Kinh