Ða dạng sinh học
Anh Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, khẳng định: “Những con thú bảo tồn tại Vườn Quốc gia bây giờ đâu giống như hồi xưa. Con người và các loài thú không còn tác động qua lại nữa nên chúng gần gũi hơn. Mấy năm trước có tình trạng con người vào đây săn bắt, chúng tôi tuyên tuyền, nhắc nhở, riết rồi người ta cũng hiểu”.
Hơn 10 năm làm nghiên cứu, anh Truyền biết rõ từng đặc tính của những loài sinh sống ở đây. “Loài mà tôi quan tâm nhất là voọc bạc Ðông Dương, có nguy cơ tuyệt chủng. Theo quan sát của anh em đi rừng, con này có thân màu đen, khuôn mặt trắng, đuôi dài, lớn hơn khỉ. Hiện tại chỉ còn một cá thể, nên “có duyên” mới nhìn thấy nó. Cũng có nhiều loài khác như nai, tê tê… nhìn thấy được qua camera cảm biến nhiệt đặt khắp nơi trong Vườn, từ đó chúng tôi hiểu biết thêm về tập quán của chúng”, anh Truyền cho biết.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ với hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng. Vườn có hơn 25.000 ha vùng đệm là khu bảo vệ thiết yếu, bảo đảm cho sự phục hồi các giống, loài đặc hữu của hệ sinh thái ngập nước với nhiều loài được ghi trong Sách Ðỏ Việt Nam và thế giới.
Anh Huỳnh Kiệt Anh Tuấn, Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, cho biết: “Hiện Vườn có 32 loài thường thấy như: heo rừng, cầy hương, dơi quạ…; chim có 91 loài quý hiếm như: già đẫy Java, diệc xám… Lưỡng cư bò sát có 47 loài, điển hình như: rắn hổ đất, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong… Có 56 loài nằm trong Sách Ðỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng như: mèo cá, sóc đỏ, nai, khỉ đuôi dài…”.
Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học luôn gắn liền với bảo vệ rừng, động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo các điều kiện tự nhiên để giữ gìn các giá trị đặc thù của hệ sinh thái.
Anh Truyền cho biết, tới đây sẽ xây dựng hàng rào bảo vệ nhằm chống sự xâm nhập vào Vườn và tránh các loài thú hoang dã thoát ra bên ngoài vùng kiểm soát; bên cạnh đó là thành lập một trung tâm cứu hộ động vật, tăng cường kiểm tra, quản lý, bảo vệ, hạn chế thấp nhất việc săn bắt thú rừng, qua đó cân bằng hệ sinh thái.
Soi thú đêm
Gần 2 năm kể từ tuyến soi thú đêm được hình thành, anh em ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ luôn mong muốn tuyến này sẽ trở thành điểm du lịch trong tương lai. Phó phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Hồ Chí Linh cho biết: “Khi mình nói Vườn quốc gia có nai, có heo rừng… thì phải chứng minh cho du khách thấy điều đó, làm sao tạo điều kiện cho họ tận mắt chứng kiến cảnh thú ăn, uống nước…, đó mới là điều tuyệt vời”.
Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên cho biết: “Trước đây tuyến này chỉ là đất đen, khi anh em tuần tra bảo vệ rừng, thấy tập trung nhiều loài thú, nên cải tạo tuyến này thành khu du lịch. Tuyến soi thú đêm của Vườn Quốc gia hiện có chiều dài khoảng 4 km, xung quanh là rừng nguyên sinh bao bọc, thời gian tới sẽ cho khách du lịch vào tham quan”.
Anh Hồ Chí Linh thông tin: “Vào mùa nước lên, nai, heo rừng, chồn… sẽ tìm vùng đất khô ráo để ở, nó sẽ đi trong khu này. Ðến mùa khô, thú thường ra vùng đầm lầy bên cạnh tuyến đường để uống nước nên rất dễ nhìn thấy chúng. Nhiều cá thể nai có thể nặng khoảng 200 kg”.
Khi tôi ngỏ ý muốn vào khu vực này quan sát, soi thú đêm, các anh nhiệt tình tạo điều kiện cho tôi khám phá. Anh Truyền dặn: “Ðừng phát âm thanh lớn, nói chuyện nhỏ nhỏ vì thú hoang còn hơi nhát”. 19 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu vào tuyến soi thú đêm, ngồi trên xe, anh Truyền kể về nhiều đặc tính của các loài thú và cho biết các loài thú bây giờ dạn hơn trước, mình nhận biết nó qua con mắt sáng phản chiếu với ánh đèn.
Hai chiếc xe con di chuyển sâu vào rừng được 15 phút, anh Linh theo sau phát hiện 1 cá thể nai tơ khoảng 30 kg, đang ăn đọt sậy non. Tôi vô cùng thích thú khi lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh tượng này, vội vàng lưu lại những thước phim để dành làm tư liệu.
Ông Huỳnh Minh Nguyên thông tin: “Hiện tại, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu động vật hoang dã tiến hành đặt camera cảm biến nhiệt để quan sát tập tính các loài động vật. Sau khi đề án du lịch được phê duyệt, sẽ tiến hành đưa vào khai thác tuyến du lịch soi thú đêm. Ðặc biệt là phục vụ chỗ ăn, nghỉ qua đêm cho du khách, làm sao cho du khách tận mắt thấy được các loài động vật hoang dã. Vườn đã trồng chuối, cỏ, khoai mì… trên tuyến này, nhằm tạo thức ăn cho chúng”.
Một lần trải nghiệm đi soi thú đêm, nghe tiếng côn trùng, cùng với tiếng gầm, hú của các loài thú, cảm giác vừa hồi hộp, vừa thú vị không thể nào quên.
Theo Báo Cà Mau
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |