Trải nghiệm

Thủ đô Astana – Chủ nhà của sự kiện Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ nhất

07:56 - 05/09/2019
Astana, thủ đô của nước Cộng hòa Kazakhstan được lọt Top 30 thành phố tuyệt vời nhất thế giới. Đây là một thành phố trẻ tuổi, tính từ khi nó bắt đầu bùng nổ phát triển thì mới là 25 tuổi thôi.

Sức trẻ đã khiến nơi đây trở thành điểm thu hút của nhân tài, tài chính, sức sáng tạo, sự phát triển vũ bão và là điểm đến tham quan cuốn hút, độc đáo.    

Cái nhìn đầu tiên về Astana

Chỉ một buổi chiều muộn tới Astana vào đầu tháng 9/2019, chúng tôi đã thu được những cái nhìn ấn tượng. Astana cũng có nghĩa là “Thủ đô” theo tiếng Kazakhstan, và thủ đô đón chúng tôi bằng một cổng Khải hoàn môn xây dựng giống kiến trúc Khải hoàn môn ở Paris, chỉ khác ở cái tên thành phố Astana với dòng chữ cái "kết nối nghệ thuật" trước cổng.

Trên đường từ sân bay quốc tế Astana về trung tâm thành phố, chúng tôi khá choáng ngợp trước những công trình kiến trúc cao vút, đồ sộ và đặc sắc. Thành phố đang trong quá trình bùng nổ xây dựng này được quy hoạch bởi kiến trúc sư người Nhật Bản Kisho Kurokawa, nên mọi con đường, cùng với những dãy tòa nhà được phân bổ rất thẳng, vuông vắn, kết nối với nhau thật khoa học, từ một góc có thể quan sát rộng ra các góc khác.

thu do astana chu nha cua su kien dien dan cac nha van chau a lan thu nhat
Tháp Bayterek

Những tòa nhà vẫn đang tiếp tục được xây dựng nên bên cạnh những cao ốc sáng long lanh là những cần cẩu vươn cao của những công trình đang dang dở, thể hiện sức phát triển mạnh mẽ của Astana. 

Anna K – một sinh viên sống tại Astana dẫn chúng tôi đi tìm một trung tâm thương mại, trên đường đi đã chỉ cho chúng tôi những tòa nhà nổi tiếng nhất ở Astana này, trong đó có hai tòa chọc trời xây hình cuốn sách, đối diện với khu khách sạn tổng thống Kazakhstan, nơi hội tụ hơn 80 nhà văn nổi tiếng nhất châu Á về dự Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ nhất từ ngày 4-6/9/2019, do Liên minh các nhà văn Kazakhstan tổ chức. Thật là phù hợp khi từ khu khách sạn tổng thống, các nhà văn Á châu có thể ngắm nhìn sang đối diện, hai “cuốn sách” khổng lồ này.

thu do astana chu nha cua su kien dien dan cac nha van chau a lan thu nhat
Trung tâm thủ đô Astana - Tòa nhà hình cuốn sách

Anna K cũng chỉ cho chúng tôi thấy tòa nhà có mái tròn màu xanh, là nhà ở của Tổng thống, ngay bên cạnh tháp Bayterek cao vút. Em bảo, khi đứng trong tòa tháp này, bạn ước nguyện điều gì đó thì trong tương lai bạn đều sẽ đạt được. 

Đây là biểu tượng của thành phố Astana, được xây dựng dựa theo truyền thuyết về một quả trứng vàng khổng lồ được một con chim lạ đẻ trên cành dương, kể từ khi có quả trứng đó, thì người dân thành phố được sống trong hạnh phúc và thịnh vượng. Tháp Bayterek với hình tượng cành dương nâng đỡ quả trứng vàng thần diệu được nhìn thấy từ mọi góc của thành phố Astana.

Thu hút sự chú ý của thế giới

Astana là một thủ đô phát triển nhanh nhất thế giới, Tổng thống Kazakhstan đặc biệt muốn chú trọng phát triển nơi đây, làm hình mẫu cho các thành phố khác của đất nước, và thu hút sự chú ý của thế giới, và biến Astana thành trung tâm tài chính, văn hóa mới của Á châu nên trong những năm gần đây liên tục tổ chức những sự kiện lớn về thể thao, văn hóa của châu Á.

Sự kiện điển hình đang diễn ra đầu tháng 9/2019 là Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ nhất, với mục đích tăng cường vai trò phát triển xã hội của văn học, nâng cao vị thế nhà văn, đóng góp vào việc dịch chuyển văn học thành giải pháp giáo dục chính yếu.

thu do astana chu nha cua su kien dien dan cac nha van chau a lan thu nhat
Bên trong một khu trung tâm thương mại

Hơn 80 đại biểu các nhà văn nổi tiếng từ 38 quốc gia đang tham dự sự kiện văn học quan trọng này, trong số đó có một số nhà văn được đề cử giải Nobel và nhà văn đã đoạt giải Nobel, các nhà văn đoạt giải Man Booker, các nhà văn từng đoạt giải văn học Nhà nước, giải thưởng quốc gia, Chủ tịch các Hiệp hội, các Liên minh nhà văn của các quốc gia trên thế giới.

thu do astana chu nha cua su kien dien dan cac nha van chau a lan thu nhat
Nơi ở của Tổng thống Kazakhstan

Trong sự kiện, sẽ có buổi triển lãm những kiệt tác văn học châu Á, và các buổi Hội thảo quan trọng với chủ đề “Văn học châu Á với các vấn đề toàn cầu”, “Ảnh hưởng của nền văn minh Á châu tới văn học hiện đại”, cùng các nhóm thảo luận về Văn học châu Á, sự phát triển của văn học ở các nước trung tâm châu Á. Đặc biệt, còn có Lễ tôn vinh trên thảm đỏ Nhà văn và “Cuốn Sách Chân thực”, Lễ ký kết hợp tác giữa các Hội và Liên minh nhà văn các nước, Buổi họp chủ đề Sáng tạo dành cho những thành viên nhà văn tuổi dưới 40.

Hai nhà văn Việt Nam được mời tham dự Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất là nhà văn Nguyễn Xuân Đức và nhà văn Kiều Bích Hậu. Hai nhà văn Việt Nam sẽ giới thiệu tới Diễn đàn những chủ đề cốt lõi, sự phát triển, vẻ đẹp của văn học Việt Nam với bạn văn châu Á và thế giới, đồng thời, một số tác phẩm thơ, văn tiêu biểu của Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp cũng được triển lãm tại Diễn đàn như “Nhật ký trong tù” – Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Một loài chim trên sóng” – nhiều tác giả; “Khao khát hòa bình” – nhiều tác giả; “Chiến tranh và hòa bình” – nhiều tác giả; “Sông núi trên vai” – nhiều tác giả; “Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn”; “Bản Jazz cuối cùng” – Kiều Bích Hậu…

Việt Châu/ petrotimes.vn