200 ngày mùa đông u ám, 2 tháng trời không có một tia nắng mặt trời le lói phía chân trời. Nhiệt độ mùa động có thể rớt xuống -20°C. Vậy điều gì giúp Phần Lan trở thành mảnh đất hạnh phúc nhất thế giới?
Ảnh: scandinavia.com
Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp, đất nước Bắc Âu nhỏ bé với vẻn vẹn 5,5 triệu dân, được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo bản tổng kết Hạnh phúc Thế giới của Liên Hiệp Quốc được công bố vào ngày 20/3. Đứng sau Phần Lan là Đan Mạch, kế tiếp là Thuỵ Sỹ, Ailen và Na Uy. Đáng chú ý, tất cả các nước Bắc Âu đều có tên trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Thủ đô Helsinki của Phần Lan cũng được xướng danh là thành phố hạnh phúc nhất thế giới, kế tiếp là Aarhus (Đan Mạch), Wellington (New Zealand), Zurich (Thuỵ Sỹ), Copenhagen (Đan Mạch).
Thủ đô Hensiki. Ảnh: Getty Images
Bản tổng kết 2020 xếp hạng 156 nước theo mức độ hạnh phúc mà người dân mỗi nước cảm nhận dựa trên những đánh giá của họ về cuộc sống của bản thân. Câu hỏi đơn giản được đặt ra cho mỗi người tham gia: “Hãy hình dung cuộc đời như một chiếc thang, mà nấc thang thấp nhất là cuộc sống tồi tệ nhất và nấc thang cao nhất là cuộc sống tốt đẹp nhất thì bạn đang ở nấc thang nào?”
Ảnh: NY Times
“Lại một lần nữa chúng ta thấy những yếu tố dẫn đến hạnh phúc bao gồm có các mạng lưới hỗ trợ xã hội tốt, sự tin cậy xã hội, chính phủ trung thực, môi trường an toàn và cuộc sống khoẻ mạnh”, biên tập viên tham gia xây dựng báo cáo này, Jeffrey Sachs, nhận xét.
“Một môi trường xã hội hạnh phúc, cho dù là nông thôn hay thành thị, là nơi mọi người có cảm giác gắn bó, nơi người ta tin tưởng và vui vẻ với nhau và hài lòng với các thể chế chung”, biên tập viên John Helliwell nhận định. “Nơi đó có sự bền vững hơn vì sự tin tưởng được chia sẻ sẽ góp phần san sẻ những khó khăn chồng chất và qua đó làm giảm thiểu tình trạng hạnh phúc không đồng đều.”
Người Phần Lan được hưởng chất lượng cuộc sống tốt đặc biệt cùng với mức độ an toàn cao và dịch vụ công thuộc loại tốt nhất thới giới. Khoảng cách giàu - nghèo được ghi nhận ở mức thấp nhất trong khối OECD. Tại Phần Lan, 91% người được phỏng vấn cho biết họ hài lòng với tổng thống nước mình và 86% nói họ tin tưởng vào cảnh sát.
Những yếu tố dưới đây đã viết lên câu chuyện hạnh phúc của người Phần Lan:
Bền bỉ, nhẫn nại là hành trang suốt cuộc đời
Người Phần Lan bền bỉ, nhẫn nại, biết vươn lên trong những thời khắc khó khăn và điều đó được minh chứng ở những thử thách của điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hệ tư tưởng dân tộc này còn có tên gọi là sisu và đây là yếu tố cốt lõi làm nên hạnh phúc của người Phần Lan, theo nhà báo kiêm tác giả cuốn “the Finnish Way”, Katja Pantzar. Sisu đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ khi bạn rơi vào nghịch cảnh và giúp bạn nhìn nhận thách thức chính là cơ hội. Ngạn ngữ Phần Lan có câu: “Hạnh phúc không đến từ việc loay hoay tìm kiếm nó mà chính bằng cách sống của bạn”. Và sống theo tinh thần sisu, đối với nhiều người Phần Lan, có nghĩa là thay vì chờ đợi một ngày nắng đẹp, không quản ngại băng giá người Phần Lan đi làm bằng xe đạp hay bơi giữa biển quanh năm thậm chí khi biển đóng băng.
Ảnh: dailymail.uk
Sống hoà mình với thiên nhiên ưu đãi
Theo Uỷ ban Du lịch Phần Lan, VisitFinland, sống hoà mình với thiên nhiên đó là bí quyết hạnh phúc của đất nước Bắc Âu này vì đó là cách giúp đầu óc thư giãn và giúp con người ta sống chậm.
Rừng chiếm 75% diện tích đất, đưa Phần Lan là quốc gia tỉ lệ che phủ của rừng cao nhất thế giới. Tất cả mọi người sinh sống tại Phần Lan hay đến thăm Phần Lan đều có quyền tận hưởng thiên nhiên ở bất cứ nơi đâu ở nông thôn cho dù là đất có chủ sở hữu. Bạn được tự do đi vào các khu thiên nhiên như rừng, hồ, song mà không cần xin phép chủ sở hữu đất. Điều đó có nghĩa là bạn có thể cắm trại qua đêm ở bất cứ nơi nào bạn muốn với điều kiện phải có tinh thần trách nhiệm, tôn trọng thiên nhiên, mọi người và quyền sở hữu. Nguyên tắc vàng được đặt ra là bảo vệ vẻ đẹp còn nguyên vẹn và sự kỳ diệu của thiên nhiên vì các thế hệ mai sau.
Xây dựng nền tảng hạnh phúc từ ấu thơ
Với quan niệm tuổi thơ hạnh phúc là nền tảng cho một cuộc đời hạnh phúc lúc trưởng thành, Phần Lan nỗ lực tạo mọi điều kiện để trao cho mọi trẻ em có được sự khởi đầu đời bình đẳng, khoẻ mạnh và hạnh phúc. Từ năm 1938, chính phủ Phần Lan đã thực hiện chương trình phân phát miễn phí quần áo và những vật dụng cần thiết cho tất cả bà mẹ mới sinh con. Thêm vào đó, người Phần Lan hưởng lợi một mạng lưới an toàn xã hội khá vững chắc, bao gồm hệ thống nhà trẻ giá cả phải chăng, hệ thống giáo dục tiểu học, trung học và đại học gần như miễn phí. Ngoài ra, việc dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên từ tuổi ấu thơ ở một đất nước thanh bình và khá an toàn nơi trẻ em từ 7 đến 8 tuổi có thể tự đi bộ từ trường về nhà sẽ giúp trẻ tăng cường tính độc lập của mình.
Khiêm nhường là bí quyết giữ hạnh phúc cho riêng mình
Các công trình nghiên cứu cho thấy mạng xã hội đôi khi dẫn tới cảm giác bất an bởi chúng ta có thể so sánh mình với người khác và thời gian bận rộn trước màn hình sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ những khoảnh khắc đang diễn ra trong cuộc sống đời thực. Chuyên gia và là nhà nghiên cứu về hạnh phúc người Phần Lan, Tiến sỹ Martela, cho biết, người phần Lan nhìn chung không thích phô bày cuộc sống của mình trên mạng xã hội hoặc nói về sự giàu có hay thành công. Hay nói cách khác, họ biết khiêm nhường để giữ hạnh phúc cho riêng mình.
Hài lòng với thực tại là biểu hiện của hạnh phúc
Người Phần Lan nổi tiếng là biết tiết chế cảm xúc của mình. “Điều đáng học hỏi từ người Phần Lan là không quá kỳ vọng quá nhiều về những gì một người cần có để sống hạnh phúc. Hay nói cách khác, họ không quá tham vọng, đòi hỏi cuộc sống cần đem lại cho mình mà biết an phận. Chính thái độ sống này có thể giúp họ cảm thấy hài lòng và trân quý cuộc sống thực tại của mình”, ông Martela diễn giải.
Hạnh phúc đến từ việc biết chấp nhận tính 2 mặt của cuộc sống
Người Phần Lan cho rằng những ngày u ám là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày và vui vẻ chấp nhận điều đó. Theo ông Martela, thái độ dám đón nhận “màng tối” của cuộc sống, chấp nhận những cảm xúc tiêu cực như là một lẽ thường của cuộc sống khiến họ nhận biết giá trị của hạnh phúc.
“Nhìn chung, tôi nghĩ người Phần Lan khá hài lòng với cuộc sống của mình ở đất nước mình. Tuy nhiên, họ có thể không xem mình là tuýp người rạng rỡ và tươi cười nhất. Mà họ nhận thức mình là những những người khá trầm lắng, những người thích nghe những bản tango buồn thay vì những bài hát rộn ràng. Việc chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống và tập trung vào những điều tích cực giúp người Phần Lan cảm nhận được giá trị của hạnh phúc. Cố gắng đè nèn cảm xúc tiêu cực không có lợi cho sức khoẻ, vì thế tốt hơn là học cách đối diện với nó và qua đó học cách chấp nhận người khác và thực tại cuộc sống ”./.
Theo VOV.VN