Bóng mò o dùng để bắt cá - Ảnh: HOÀI NAM
Thời đại công nghiệp, đối với các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh như nghề đan ky giỏ, rổ rá… dần mai một, do đồ nhựa thay thế, vậy mà làng nghề đan bóng mò o thu nhập thấp này vẫn được duy trì và lan rộng qua 3 xã.
Thôn mò o
Thôn Hòa Thạnh có 140 ngôi nhà ở cạnh mé đầm Cù Mông hiện làm nghề truyền thống đan bóng mò o. Sở dĩ có tên gọi vậy là vì, cái bóng dùng để thả bắt cá đan bằng mò o (giống như cây lồ ô nhưng nhỏ hơn) nên gọi là bóng mò o. Cây mò o mọc trên núi cao, trong xóm có người lên tận các xã Xuân Lãnh, Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) mua rồi chở xe tải về bán lại cho người đan bóng.
Mua một bó mò o khoảng 130.000 đồng, đan được 5 cái bóng to bán với giá 70.000 đồng/cái. Để đan được 5 cái bóng thì một người ngồi ròng rã một ngày chẻ nan và một ngày ngồi đan. Nhưng đó là người đan giỏi, còn người đan không tập trung thì phải kéo dài 3-4 ngày. Thu nhập không nhiều nhưng cả xóm ai cũng máu nghề, ngày nào cũng cầm rựa vót nan đan bóng.
Lực lượng tham gia đan bóng chủ yếu là người già, phụ nữ đơn chiếc, còn đàn ông thì cầm rựa lên vùng núi xã Xuân Bình, Xuân Lộc (TX Sông Cầu) chặt mò o rồi thồ bằng xe đạp về. Cứ thế, quanh năm suốt tháng, nhà nào cũng bày mò o trước sân, trên hàng ba đan bóng nên người dân quanh vùng gọi thôn Hòa Thạnh là thôn mò o. Bà Nguyễn Thị Nhị, ngồi đan bóng chia sẻ: Đi từ đầu thôn đến cuối thôn, nhà nào cũng ngồi chẻ mò o, nên người quanh vùng gọi là thôn mò o. Còn người trong xóm đi xa, hỏi ở đâu cũng xưng ở thôn mò o, còn thôn Hòa Thạnh chỉ khai trên giấy tờ, sổ sách.
Để đan thành hình cái bóng, khi chẻ nan, một tay cầm rựa, tay kia đẩy cây mò o chạy tới, ngón chân cái thì bịn cây mò o giữ thăng bằng. Cây mò o chẻ lấy cật còn ruột nan thì để khô chụm lửa. Làm nghề này bàn tay ai cũng nhám xàm vì không thể đeo bao tay. Cũng chính vì không đeo bao tay, có lúc nan mò o bén cắt vào các ngón tay chảy máu, tuy nhiên theo kinh nghiệm của người đan bóng, nan mò o…, các vết đứt này trong thời gian ngắn là lành ngay.
Cái bóng giống như cái lờ nhưng dẹp. Theo nhiều người đan bóng, bí quyết đan bóng bắt được cá là đan tấm mê sau đó cung lại thành hình cái bóng rồi lận toi vào. Chỗ đặt miệng toi có lõm sâu vào như hình chữ V, khi đặt bóng xuống nước tạo khoảng rỗng, nước moi sâu vô bóng để cá dễ chui vô toi, còn nếu chỗ đặt toi đan bằng mặt của vành bóng thì cá khó chui vào được.
Trước khi thả bóng, bỏ ít rong thì cá dìa chui vô, còn bỏ mồi cua ốc thì bắt cá giò. Bắt cá dìa hay cá dò thì trong bóng phải có hòn đá nhỏ để bóng chìm dưới nước.
Người dân thôn Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh) chẻ mò o để đan bóng - Ảnh: HOÀI NAM |
Nghề thế kỷ
Bóng mò o làm ra không chỉ để thả bắt cá ven đầm Cù Mông mà bán ra Quảng Ngãi, Bình Định hoặc vô Cà Ná (Bình Thuận), Vũng Tàu. Tính ra nghề đan bóng hình thành đến nay cả thế kỷ. Bà Nguyễn Thị Dấu (79 tuổi) cho hay: Từ nhỏ đến lớn tôi làm nghề đan bóng mò o. Trước đó cha mẹ tôi cũng làm nghề đan bóng rồi truyền lại, tính ra làng nghề này đã 100 năm.
Ngồi đan toi, ông Phạm Văn Đến (40 tuổi) mau miệng nói: Theo lời kể của cha mẹ thì làng nghề có từ đời ông cố nội, cố ngoại, tính ra làng nghề tồn tại cả thế kỷ rồi. Bóng làm ra đều được tiêu thụ hết. Vậy nên nghề này không cho ai ở không, xung quanh người ta chẻ nan ngồi đan, mình không làm thì tay chân buồn… khó chịu.
Thời đại công nghiệp, đối với các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh như nghề đan ky giỏ, rổ rá… dần mai một do đồ nhựa ra đời thay thế thì làng nghề đan bóng mò o này vẫn được duy trì và ngày càng lan rộng. Bà Trần Thị Lanh kể, con gái ở đây lấy chồng quanh vùng mang theo cái nghề đan bóng mò o. Nghề này nằm trong lòng bàn tay, ngày nào cũng miệt mài làm nghề rồi bày lại người trong vùng, vậy nên hiện nay nghề đan bóng mò o lan ra đến Bến Đùi (xã Xuân Hòa), thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương).
Ngồi uống nước trà trước hàng ba, hỏi về nghề đánh bắt cá bằng bóng mò o, ông Bùi Văn Long ở ven đầm Cù Mông nói: Tôi có thâm niên trên 50 năm thả bóng trong đầm. Nghề thả bóng mò o, làm ăn từ xưa đến giờ cũng không lỗi thời, lại không có “tội” với đầm vì chỉ bắt cá to. Còn thả lờ ruột heo, châm xung điện thì tiêu diệt từ hải sản lớn đến hải sản mới mở mắt, hại lắm! Bóng mò o tuổi thọ 2-3 tháng là mục, thế nhưng nhiều người thích dùng vì thân thiện với môi trường.
Theo ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, làng nghề đan bóng mò o ở xã Xuân Cảnh có từ lâu đời, qua nhiều thế hệ và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Thời gian qua, thị xã luôn quan tâm tạo điều kiện để làng nghề phát triển. Qua đó thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần kết hợp giữa sản xuất ở các làng nghề truyền thống với phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng một số sản phẩm đặc trưng, giữ gìn và phát triển làng nghề…
Mạnh Lê Trâm, báo Phú Yên