Sáng 14 - 11, tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao (VH - TT) tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin về Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH - TT tỉnh Ninh Bình, Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc còn là dịp giới thiệu tới công chúng trong nước và du khách quốc tế những giá trị của loại hình nghệ thuật xẩm độc đáo của Việt Nam.
Tỉnh Ninh Bình đăng cai liên hoan lần này bởi đây được coi là cái nôi của bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Địa phương đang phát triển nhiều câu lạc bộ hát xẩm, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi theo học. Ninh Bình cũng là quê hương của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX.
Các nghệ sĩ xẩm biểu diễn tại buổi họp báo.
Ban tổ chức cho biết, trong số 15 câu lạc bộ tham dự liên hoan lần này, có các “chiếu” xẩm như: Xẩm Hà Thành, xẩm Hải Phòng, CLB xẩm Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi câu lạc bộ được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, Trưởng ban Giám khảo liên hoan, nội dung các bài xẩm hiện nay đã phong phú hơn. Ngoài những bài xẩm cổ, các câu lạc bộ cũng phát triển, sáng tác nhiều bài xẩm mới với đề tài phong phú, ngoài ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước còn đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” của xã hội, mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, sau liên hoan này, tỉnh Ninh Bình sẽ cùng các tỉnh khu vực phía Bắc làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau đó, Ban tổ chức có kế hoạch xây dựng những điều kiện để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức sẽ trao 5 giải A (trị giá 20 triệu đồng), 5 giải B (trị giá 15 triệu đồng), 5 giải C (trị giá 10 triệu đồng) và 30 giải Khuyến khích.
Theo hanoimoi.com.vn