Văn hóa

64 năm và những điệu dân ca trên làn sóng phát thanh

07:59 - 30/08/2020
64 năm qua, các chương trình dân ca với đầy đủ các loại hình nghệ thuật theo cánh sóng vươn xa, tới với thính giả cả nước.

Ảnh minh họa

Thế hệ chúng tôi là những người đi sau nhưng chỉ nghe kể thôi, những giây phút đầu tiên “Đây là Tiếng nói Việt Nam" vang lên truyền đi cả nước, ai cũng thấy đầy vinh dự tự hào. Tiếng nói Việt Nam không chỉ có tiếng nói “trong trẻo, ngân vang" mà còn có tiếng hát, tiếng hát rộn ràng bay bổng mỗi ngày trên sóng. Trong những tiếng hát ngọt ngào ấm áp từ những buổi đầu tiên ấy không thể thiếu tiếng hát dân ca, một loại hình nghệ thuật mang “quốc hồn quốc túy" của dân tộc.

Cùng với các chương trình phát thanh, ca nhạc, văn nghệ, tiếng hát dân ca đã theo làn sóng suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhưng theo nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên trưởng phòng dân ca, phải đến năm 1956 dân ca mới có một chương trình riêng. Từ một chương trình trong một tuần, rồi một ngày cho đến nay đã có hàng chục chương trình phát sóng mỗi ngày trên tất cả các hệ phát thanh.

64 năm kể từ ngày phát sóng chương trình đầu tiên, những người làm dân ca trên Đài TNVN rất đỗi tự hào vì cho đến nay Đài TNVN là nơi duy nhất phát đi hàng trăm bài dân ca và nhạc cổ truyền mỗi ngày, thu hút hàng triệu người nghe, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể nói, cho đến nay chương trình dân ca trên sóng đài TNVN có đủ các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc như: Tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, bài Chòi, dân ca Nam Bộ, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví Giặm, đờn ca tài tử... Đặc biệt, trên 40 dân tộc anh em của đại gia đình các dân tộc Việt nam có tiếng hát dân ca trên làn sóng phát thanh.

Bên cạnh việc trải đều và rộng khắp các vùng miền, các chương trình cũng đi vào chiều sâu, khai thác những giọng hát vàng của nền âm nhạc dân tộc. 64 năm qua những giọng hát ấy luôn là điểm sáng trong văn hóa dân tộc. Hàng triệu thính giả không thể quên các giọng hát chèo như: Như Hoa, Minh Tâm, Kim Đức, Kim Thoa, Hồng Ngát, các giọng ca Huế Châu Loan, Hồng Lê, Lài Tâm, Minh Phúc, Hoàng Thanh, các giọng ca cải lương: Trang Nhung, Thúy Đạt, Tuyết Hạnh,...

Cùng với những giọng hát là người nhà Đài, giọng hát của các nghệ sĩ là cộng tác viên cũng không thể không kể đến như: Thanh Huyền, Thu Hiền, Kiều Hưng, Mạnh Tưởng, Thanh Hoài, Khắc Tư, Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thúy Cải, Thúy Hường, Dương Liễu, Thủy Tiên, Hồng Năm, Văn Hồng, Điệp Nữ, tiến Dũng, Lệ Thanh.

Có thể nói không ngoa rằng tất cả những giọng hát dân ca hay của mọi miền đất nước đều hội tụ trên làn sóng phát thanh, đều là những cộng tác viên thân thiết của các chương trình dân ca. Họ làm nên thương hiệu của dân ca Đài TNVN và cũng chính Đài TNVN chắp cánh, nâng bước để các nghệ sĩ trưởng thành, có được nhiều phần thưởng cao quý.

Bên cạnh những giọng hát chuyên nghiệp, chương trình dân ca cũng tự hào là đã đi đến hầu khắp các địa chỉ dân ca, thu thanh các nghệ nhân không chuyên và cũng từ phong trào không chuyên phát hiện ra nhiều giọng ca vàng của phong trào quần chúng như trường hợp nghệ nhân nghệ sĩ ưu tú hát xẩm Hà Thị Cầu, nghệ nhân cai lương Bạch Huệ,..., các nghệ sĩ không chuyên của tỉnh Thái Bình như Hồng Vui, Hồng Lái, Quý Bao, Quang Thẩm. Năm 1976 cùng với các nhà nghiên cứu, Đài TNVN cũng là nơi đầu tiên tổ chức thu thanh giọng ca vàng của nghệ sĩ Quách Thị Hồ và từng bước khôi phục lại nghệ thuật ca trù.

Điểm tự hào nhất mà những người thực hiện các chương trình dân ca trên làn sóng Đài TNVN rất vui được “khoe" với bạn đọc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đài TNVN là cả 9 loại hình âm nhạc dân tộc được Unesco công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình dân ca có công khai phá, gìn giữ và phát huy từ những ngày đầu tiên cho đến nay.

Vào đầu những năm 1960 của thế kỷ 20, những câu hát đầu tiên của dân ca Quan họ được vang lên trên làn sóng, tuy nhiên mới chỉ là những khai phá ban đầu. Bắt đầu đến những năm 1970, 1980, dân ca quan họ trên làn sóng đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu của rất nhiều người, sau đó là những tên tuổi được biết đến qua làn sóng phát thanh như Xuân Trường, Khánh Hạ, Lan Hương, Thúy cải, Thúy Hường, Quý Thăng.

Với dân ca ví Giặm cũng vậy, năm 1965, khi Hà Tĩnh bắn rơi máy bay Mỹ, tiết mục dân ca “Thần sấm ngã" được tác giả Lê Thanh Bình viết theo các điệu Ví, Giặm đã vang lên trên sóng của Đài rồi sau này các làn điệu ví trữ tình tha thiết tiếp tục được thu thanh phát sóng, các bài phân tích về cái hay cái đẹp của dân ca xứ Nghệ,... đã giúp cho người nghe hiểu về một loại hình dân ca độc đáo. Rồi hát Xoan Ghẹo, dân ca Tây Nguyên, Ca trù, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế, Hát Then, Diễn xướng hát văn hầu đồng... đều được Đài TNVN thu thanh và phát sóng thường xuyên góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu cho mỗi loại hình nghệ thuật độc đáo này.

64 năm qua, bên cạnh việc gìn giữ vốn cổ truyền thống, những người thực hiện chương trình dân ca trên sóng Đài TNVN cũng ý thức rằng mình cũng là nhà báo, phải làm tốt nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền và phát huy vẻ đẹp trong văn hóa, trong ngôn ngữ Việt, chính vì vậy mà việc đặt lời mới ra đời.

Tuy nhiên, đặt lời mới không chỉ là thay lời mới vào lời cổ miễn sao hát được mà phải làm sao vừa có ý, tứ mới lạ, phù hợp với nội dung tuyên truyền, nhưng cũng phải giàu hình tượng, vần điệu lời ca phải đẹp, giàu chất thơ như lời ca cổ của cha ông. 64 năm qua, hàng vạn tiết mục dân ca đặt lời mới của các soạn giả khắp mọi miền gửi tới được thu thanh phát sóng, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền nhưng cũng làm giàu có, phong phú kho tàng dân ca dân nhạc của Đài TNVN nói riêng và đất nước nói chung.

64 năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sưu tầm, dàn dựng, thu thanh, những người làm dân ca trên làn sóng Đài TNVN còn có một nhiệm vụ hết sức then chốt là giới thiệu cho thính giả thấy được vẻ đẹp của các làn điệu dân ca qua mỗi làn điệu, mỗi bài, mỗi loại hình. Các chuyên mục “Tìm hiểu cái hay cái đẹp", “yêu mãi khúc dân ca" ra đời cùng với các giới thiệu phân tích của Biên tập viên là những phát biểu đánh giá, thẩm bình của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực âm nhạc truyền thống, điều này giúp cho thính giả không chỉ biết thưởng thức mà còn biết còn hiểu thêm và cái hay, cái đẹp trong mỗi tiết mục, loại hình dân ca mà mình yêu thích.

Nhiều năm qua, một chuyên mục cũng thu hút đông đảo thính giả đón nghe là “dạy hát dân ca".

Hàng tuần chương trình đều mời các nghệ sĩ có tên tuổi đến phòng thu cùng với một số thính giả dạy hát dân ca rồi thu thanh phát sóng. Hàng trăm thính giả ở khắp các miền quê đã chờ nghe trên sóng và đã học hát thành công, họ chính là những nghệ sĩ không chuyên của phong trào văn nghệ địa phương góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền quảng bá và gìn giữ những làn điệu dân ca quê hương.

64 năm qua, đều đặn hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần hàng tháng, các chương trình dân ca với đầy đủ các loại hình nghệ thuật theo cánh sóng vươn xa, tới với thính giả cả nước. 64 năm qua, những người làm công tác biên tập chương trình dân ca cũng như các nghệ sĩ thể hiện cũng hết sức tự hào bởi có hàng vạn lá thư của đồng bào chiến sĩ và kiều bào gửi tới chương trình.

Không chỉ là những động viên, góp ý, những yêu cầu nghe lại tiết mục mình yêu thích mà còn làm thơ tặng dân ca. Xin lấy 4 câu thơ mới nhất của thính giả Nguyễn văn Chiêm ở Long Khám, Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh vừa gửi tới phòng dân ca thay cho lời kết bài viết này: “64 năm phát triển - 64 năm tự hào - Tình nghĩa sâu như bể - Dâng niềm vui dạt dào"./.

Soạn giả Mai Văn Lạng/VOV.VN