Văn hóa

Bảo tồn, quy hoạch toàn diện di tích Bạch Đằng Giang

16:13 - 23/12/2019
Việc phát hiện bãi cọc Bạch Đằng có ý nghĩa rất lớn nhưng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích còn có ý nghĩa hơn nhiều.

Ngày 22-12, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở VH - TT TP Hải Phòng, cho biết sở này sẽ triển khai việc bảo tồn bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), đồng thời hoàn thành hồ sơ công nhận di tích Bạch Đằng là di tích cấp TP, tiến tới đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia.

Công viên di tích

Theo ông Quý, trên thực địa cánh đồng Cao Quỳ, Sở VH - TT phối hợp với UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện khoanh vùng, bảo vệ khu vực bãi cọc đã khai quật khảo cổ, đồng thời có biện pháp bảo tồn các cọc gỗ di tích.

Sở VH - TT cũng sẽ xem xét đề nghị Bộ VH - TT&DL tiếp tục cho khai quật khảo cổ mở rộng ra các khu vực khác để xác định quy mô bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực. “Tuy nhiên, việc này cũng cần cân nhắc vì khai quật lên phải có biện pháp bảo vệ di tích. Chứ các cọc gỗ này nằm trong lòng đất, khai quật lên mà không có phương án bảo tồn sẽ hỏng mất” - ông Quý nói.

Ông Quý cho hay sau khi có chỉ đạo của UBND TP, Sở VH - TT sẽ chủ trì để thực hiện khảo sát toàn bộ khu vực di tích Bạch Đằng tại địa phận huyện Thủy Nguyên. Vùng khảo sát sẽ kéo dài từ di tích Bạch Đằng Giang tới khu vực Liên Khê. Trên cơ sở khảo sát xác định quy mô di tích Bạch Đằng, Sở VH - TT sẽ lập quy hoạch di tích theo hướng công viên di tích.

Trước đó, tại hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ sáng 21 - 12, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhận định vùng cửa sông Bạch Đằng là nơi diễn ra ba trận quyết chiến chống ngoại xâm lừng lẫy của dân tộc. Năm 938, Đức vương Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Năm 981, Lê Hoàn đánh quân Tống. Năm 1288, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông lần 3.

Cả ba trận chiến trên sông Bạch Đằng đều gắn với trận địa cọc gỗ, lợi dụng thủy triều tấn công quân địch. Trong nhiều năm qua, việc tìm kiếm các bãi cọc là niềm khát khao của lãnh đạo và người dân TP. Người dân đã nhiều lần phát hiện cọc gỗ, tới nay sau khi khai quật khảo cổ bãi cọc càng rõ nét hơn về di tích trận chiến Bạch Đằng lần 3 - 1288.

“Việc phát hiện có ý nghĩa rất lớn nhưng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích còn có ý nghĩa hơn nhiều. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân Hải Phòng” - ông Thành nói.

Bảo tồn, quy hoạch toàn diện di tích Bạch Đằng Giang - ảnh 1
Các chuyên gia nghiên cứu lịch sử đều cho rằng bãi cọc mới phát hiện ở Hải Phòng sẽ làm thay đổi và mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: Đ.HOÀNG

Thay đổi nhận thức về trận chiến Bạch Đằng

TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ có thể làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng lần 3 - 1288.

Theo ông, trước đây trận chiến Bạch Đằng được mô tả trừu tượng với dấu mốc là bãi cọc phát hiện ở bờ tả sông Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Bãi cọc Cao Quỳ nằm rất gần cửa Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên), có thể bãi cọc này còn lớn hơn bãi cọc ở Quảng Yên. Qua đó chưa rõ trận địa chính trận Bạch Đằng nằm ở phía Quảng Ninh hay Hải Phòng.

“Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Từ phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận chiến Bạch Đằng lịch sử” - TS Giang cho hay.

“Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, có nhiều nhà khoa học đã công bố về các bãi cọc ở khu vực Thủy Nguyên rồi. Tại sông Giá, sông Thải trước đây phát hiện ra rất nhiều cọc. Bãi cọc Cao Quỳ cho thấy những công bố trước đây là có cơ sở. Tôi tin rằng với kết quả này, chúng ta có đủ cơ sở đề nghị Bộ VH - TT&DL công nhận di tích Bạch Đằng cho cả hai bên Quảng Ninh và Hải Phòng. Đặc biệt vùng Thủy Nguyên là trung tâm chuẩn bị, trung tâm chiến trường” - TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nêu.

Người dân phát hiện di tích lúc đào vườn

Ngày 1 - 10, trong lúc đào vườn tại cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện hai cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.

Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ VH - TT&DL sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.

Sau hai tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại ba hố. Kết quả giám định cho kết quả niên đại các cọc gỗ là từ năm 1.270 đến 1.430 sau Công nguyên. Viện Khảo cổ học nhận định bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3 - 1288.

Sông Bạch Đằng chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là dòng sông lịch sử gắn liền với ba chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cho đến trước khi bãi cọc ở Cao Quỳ, xã Liên Khê được phát hiện và khai quật, mới chỉ có ba bãi cọc được tìm thấy ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa ở thị xã Quảng Yên. 

Theo plo.vn