Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, năm 2003.
Hiểu đúng về chủ sở hữu và “cấp” của di sản văn hóa phi vật thể
Công ước 2003 khẳng định, các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân - những người thực hành một biểu đạt văn hóa nào đó - và chỉ họ mà thôi - mới có thể là những người công nhận nó là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa phi vật thể của họ, và chỉ họ mới có thể xác định được giá trị của nó. UNESCO đã không sử dụng lại cụm từ “di sản thế giới của nhân loại” trong Công ước 1972 (Về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), thay vào đó, nhấn mạnh rằng di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng và nhóm người cụ thể.
Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, và chỉ thuộc về cộng đồng, không thuộc về quốc gia, nhà nước, dân tộc, hay nhân loại cũng như toàn thế giới. Dù có được UNESCO ghi vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” hoặc “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì nó vẫn thuộc về cộng đồng của nó và không trở thành “di sản thế giới”, hay tài sản của nhân loại nói chung. Công ước 2003 cũng rất thận trọng khi luôn dùng cụm từ “di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên” mà không dùng cụm từ “di sản của quốc gia thành viên”. Cụm từ “of humanity” (của nhân loại) chỉ là yếu tố phụ/nhỏ khi nói về di sản văn hóa phi vật thể và chỉ hàm ý rằng: Tất cả di sản văn hóa phi vật thể đều là do con người sáng tạo và tái tạo chứ không phải được thực hành bởi một cái (hoặc con) gì khác. Chữ “của” (khi viết di sản văn hóa phi vật thể “của” địa phương, “của” Việt Nam, “của” nhân loại…) không nên (được) hiểu để chỉ sự sở hữu mà nên hiểu rằng “di sản đó hiện diện ở nơi đó”.
Một quan niệm sai khác có thể thấy rõ trong việc thường xuyên sử dụng sai từ “xếp hạng” (ranking) khi nói về các di sản văn hóa phi vật thể. Với các di tích (vật thể), chúng ta thường thấy cách diễn đạt như “di tích quốc gia” và “di tích quốc gia đặc biệt” nhưng Công ước 2003 của UNESCO bác bỏ việc xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể thành một hệ thống thứ bậc, phân chia cao - thấp. Tất cả di sản văn hóa phi vật thể đều bình đẳng vì di sản văn hóa phi vật thể nào cũng đều có giá trị đối với cộng đồng, nhóm người, cá nhân sáng tạo ra chúng. Không thể coi di sản của người này có giá trị hơn di sản của người khác và sẽ phạm sai lầm khi xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo “tầm quan trọng” của nó. Người mẹ nào cũng nghĩ con mình là đứa trẻ đẹp nhất, thông minh nhất, ngoan ngoãn nhất, và không người nào bên ngoài lại dám liều lĩnh phủ nhận đánh giá đó của người mẹ. Di sản văn hóa phi vật thể là những đứa con tinh thần của cộng đồng, trong con mắt cộng đồng của nó cũng giống như đứa con trong mắt của người mẹ vậy.
UNESCO chỉ “ghi danh”, không “công nhận”
Một khái niệm khác được dùng sai phổ biến rằng UNESCO “công nhận” Di sản văn hóa phi vật thể nào đó. Công ước 2003 khẳng định rằng, chỉ có cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân liên quan di sản mới có thể “công nhận” (recognize) di sản của chính họ. Di sản văn hóa phi vật thể không phải là một thứ gì đó bên ngoài, có thể được định nghĩa và xác định giá trị bởi các chuyên gia, quan chức nhà nước, hoặc bởi một quy trình kiểm tra khoa học nào đó. Thay vào đó, chính các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân - những người thực hành một biểu đạt văn hóa nào đó - và chỉ họ mà thôi - mới có thể là những người “công nhận” nó là một bộ phận cấu thành di sản văn hoá phi vật thể của họ, chỉ họ mới có thể xác định được giá trị của nó. Mỗi cộng đồng định nghĩa di sản của chính mình và đến lượt nó, chính di sản đó lại định nghĩa cộng đồng của nó. Nội dung Công ước 2003 cũng nhắc lại nhiều lần rằng, quá trình công nhận một cái gì đó là di sản văn hóa phi vật thể là quá trình chỉ có thể diễn ra trong các cộng đồng, chứ không thể do người bên ngoài, cho dù là quan chức nhà nước, thực hiện mà không có cộng đồng. Các chuyên gia cũng không có thẩm quyền quyết định thay cho một cộng đồng cái gì “là” hay “nên là” di sản của họ. Cũng chỉ các cộng đồng liên quan mới có thể bảo vệ di sản của chính họ, và muốn công tác bảo vệ được thực hiện hiệu quả thì sự tham gia rộng rãi nhất có thể của họ là thiết yếu.
Trong định nghĩa về Di sản văn hóa phi vật thể (Điều 2.1 của Công ước), việc công nhận một cái gì đó có phải là một phần di sản văn hóa phi vật thể của mình hay không là quyền của mỗi cộng đồng hay nhóm người. Đúng hơn, đây là trách nhiệm của các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân liên quan biểu đạt hoặc tập quán đó. Tất cả những gì mà UNESCO hay Ủy ban Liên chính phủ của Công ước có thể làm là “ghi danh” hay nói cách khác là đưa di sản văn hóa phi vật thể đó vào một trong số các danh sách của Công ước.
Sự nhầm lẫn này (có vẻ như) có căn nguyên từ lỗi dịch sai trong bản tiếng Việt chính thức của Công ước 1972. Bản tiếng Anh giải thích rằng, Ủy ban Di sản thế giới sẽ xác định các tiêu chí mà theo đó những di sản “có giá trị nổi bật toàn cầu” có thể được “đưa vào” (includes) Danh sách Di sản thế giới. Bản tiếng Pháp dùng từ “ghi danh” - inscribed. Trong khi đó, bản tiếng Việt lại dịch rằng đây là các tiêu chí để “công nhận” (recognizing) di sản trong Danh sách Di sản thế giới. Tương tự, có sự dịch sai trong Điều 31 của Công ước 2003 (bản tiếng Việt). Trong khi bản tiếng Pháp và tiếng Anh đều dùng từ “ghi danh” (inscriptions) vào Danh sách đại diện hoặc “đưa vào” (includes) một trong số các danh sách thì bản tiếng Việt dịch thành “công nhận” (recognition) trong Danh sách đại diện. Với bản dịch như vậy, quan niệm rằng UNESCO “công nhận” di sản văn hóa nói chung hay di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đã trở nên quá phổ biến ở Việt Nam. Với di sản (vật thể) thế giới, cách dùng này có thể vẫn chấp nhận được, nhưng Công ước 2003 về Di sản văn hóa phi vật thể đã nói rất rõ ràng rằng, mỗi di sản văn hóa phi vật thể chỉ có thể được công nhận bởi cộng đồng hoặc nhóm người của nó.
Một cụm từ khác mà UNESCO không bao giờ dùng nhưng lại được sử dụng thường xuyên ở Việt Nam, đó là UNESCO “vinh danh” hay “tôn vinh” (honors). Cách dùng này có vẻ như không vi phạm tinh thần của Công ước, mặc dù có thể gây nhầm lẫn. Mục đích của việc ghi danh không phải là vinh danh/tôn vinh nhưng vinh danh/tôn vinh có thể là một kết quả tự nhiên của việc ghi danh. Đó có thể là việc sau “ghi danh” và là việc của cộng đồng sở hữu di sản.
Ở Việt Nam, còn có tình trạng “danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể” bị hiểu sai lệch thành “danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Những lỗi diễn đạt như vậy không chỉ xuất hiện trên truyền thông đại chúng mà còn trong các nghiên cứu học thuật, thậm chí cả trong các văn kiện và trang web của chính phủ. Vì vậy, không chỉ báo chí mà các học giả, các nhà quản lý đều cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có sự hiểu và diễn đạt đúng, để không còn nhầm lẫn việc “ghi danh vào danh sách” với việc “công nhận ở cấp độ quốc tế” và hiểu đúng việc UNESCO “ghi danh” không nhằm thay thế sự công nhận của cộng đồng liên quan, cũng không liên quan việc “vinh danh” hay “tôn vinh”.
Việc hiểu và sử dụng đúng thuật ngữ rất quan trọng vì một trong bốn mục đích của Công ước 2003 là “nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và việc bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau”.
TS Frank Proschan (ảnh) là nhà nhân học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng. Từ năm 2006 đến năm 2015, ông làm việc cho UNESCO, hỗ trợ việc triển khai Công ước năm 2003 Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn cầu. Ông là học giả Fulbright 2019 - 2020, cộng tác nghiên cứu tại Trung tâm Smithsonian về Đời sống dân gian và di sản văn hóa, giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo nhandan.com.vn