Độ cao, nhiệt độ lạnh đến mức đóng băng và gió khắc nghiệt ở vùng núi này là điều rất cần thiết để kích thích sự phát triển của lớp lông siêu mềm của dê. Các sợi lông rộng chỉ 8-10 micromet, mịn hơn khoảng 10 lần so với tóc người và ấm hơn 8 lần so với len cừu. Loại lông sang trọng này được cả thế giới biết đến với tên gọi là Pashmina - loại len Cashmere mềm và đắt nhất thế giới.
Người du mục Changpa chăn nuôi giống dê có giá trị này trong điều kiện khắc nghiệt. Trong nhiều thế kỷ qua, người du mục với cơ thể khỏe khoắn đã lang thang khắp "nóc nhà của thế giới", dẫn đàn bò Tây Tạng, cừu và dê di cư dọc theo các con đường di cư truyền thống ở sa mạc trên cao này cứ sau vài tháng để tìm kiếm đồng cỏ tươi. Hiện nay, lối sống cổ xưa đó rất có thể mai một vì nhiều lý do: biến đổi khí hậu, số lượng lông Pashmina giả nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều, do nhu cầu giáo dục tốt hơn và khao khát về cuộc sống dễ dàng và thoải mái hơn của người dân.
Những người du mục và các nhà khoa học đều khẳng định rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với việc sản xuất lông Pashmina trong khu vực. Cao nguyên Changthang thường không có tuyết rơi nhiều, và nếu có, tuyết rơi bắt đầu vào tháng một hoặc tháng hai. Tuy nhiên, trong vài năm qua, tuyết rơi ngày càng nhiều, bắt đầu từ đầu tháng 12, thậm chí là tháng 11. Do đó, người du mục phải tăng cường thức ăn bổ sung tránh để dê chết đói. Hơn nữa, mùa đông trở nên ấm hơn làm giảm chất lượng và số lượng len Pashmina của con dê.
Chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn, hàng chục gia đình du mục từ cao nguyên Changthang đã di cư, thành lập khu dân cư của họ có tên là 'Kharnak Ling' ở ngoại ô thành phố Leh, cách đó 180 km. Trưởng làng Kharnak nói: “ Đây là khoảng thời gian đáng lo ngại mà chúng tôi phải trải qua. Nếu thời tiết cứ như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi dê Pashmina trên cao nguyên Changthang. Trước có hơn 90 gia đình sống ở Kharnak nhưng bây giờ chỉ còn 16 gia đình. Nếu số lượng gia đình du mục Changpa ở Kharnak giảm xuống dưới 10 thì mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn để chúng tôi tiếp tục cuộc sống chăn thả gia súc. Thế hệ trẻ thà làm việc trong thành phố chứ không chịu tiếp tục cuộc sống mưu sinh nặng nhọc, lam lũ này.
Theo petrotimes.vn