Trong căn hộ nằm trên tầng 3 của một khu nhà tập thể cũ kỹ của thành phố Marseille, chỉ cách khu Cảng Cũ (Vieux Port) lịch sử của thành phố lớn thứ 2 nước Pháp vài bước chân, suốt mấy chục năm qua, bác Trần Thị Sâm ngày nào cũng làm một việc: nấu những bữa cơm cúng dâng lên đức Phật và Bác Hồ.
Năm nay đã 86 tuổi, con cháu trưởng thành và ở riêng đã lâu, tuổi già của bác Sâm giờ đây hướng về Đức Phật, về tổ tiên ông bà và Bác Hồ. Cả một gian phòng riêng rộng lớn được dành làm nơi đặt ban thờ.
Trên ban thờ Bác là một tấm ảnh đặc biệt trong khung gỗ. Đặc biệt, là vì có cả một câu chuyện xúc động mà dù bao năm trôi qua, bác Sâm vẫn không thể nào quên, trong một lần về nước nhiều chục năm về trước.
Tấm ảnh Bác Hồ đặc biệt trên ban thờ
Bác Sâm ngày nào cũng thắp hương Bác
Bác Sâm chia sẻ: “Tôi muốn có một tấm ảnh Bác nhưng không có. Rồi tôi gặp một ông cụ làm ảnh Bác bằng sơn mài. Tôi nói là “Cụ ơi, cháu quý Bác Hồ lắm mà bên Pháp không có, cụ để lại cho cháu đi”. Ông cụ bảo không bán, thì tôi nói là nếu Cụ không bán thì cụ cho cháu mang về Pháp để cháu thờ. Tôi năn nỉ 3 lần ông cụ mới để lại cho tôi. Chỗ đó ở gần Hồ Hoàn Kiếm nhưng tôi không còn nhớ chính xác. Ông cụ không bán nhưng cụ thấy thương hại tôi, dù cụ bảo chỉ làm độc nhất 1 bức tranh này nhưng cụ để lại cho tôi. Tôi đem về Pháp và thờ Bác cho đến giờ."
Đối với bác Sâm, tình cảm và sự tôn kính dành cho Bác Hồ đến một cách rất tự nhiên. Sinh ra ở Nam Định năm 1935, sau này cùng gia đình chuyển vào Nam sinh sống, bác Sâm vẫn giữ nguyên ký ức về người cha đã đi theo Bác Hồ từ những ngày đầu cách mạng.
Khi lập gia đình rồi đến Pháp năm 1958, từ chỗ chỉ là một người phụ nữ nội trợ và chăm lo cho quán ăn gia đình, bác Sâm và chồng là bác Nguyễn Văn Tiến đã nhanh chóng tham gia tích cực vào phong trào người Việt tại Marseille, vận động, đấu tranh ủng hộ cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trong nước nhà, đặc biệt khi Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam.
Quán cơm “Hà Nội” của bác Sâm ở Marseille đã là địa điểm gặp gỡ của hàng trăm đoàn công tác trong nước mỗi khi sang Pháp. Giờ đây, trong album ảnh gia đình bác Sâm vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh về những nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó ghé qua.
Album ảnh của gia đình có bức ảnh chụp cùng Bác
Trong số đó, tấm ảnh quý giá nhất chính là tấm ảnh mà bác trai Nguyễn Văn Tiến đã có dịp được chụp cùng Bác Hồ từ khi còn trẻ. Cùng với bức tranh sơn mài trên ban thờ Bác, đó là hai kỷ vật được bác Sâm xem như báu vật gia đình, để truyền lại cho con cháu mai sau./.
Quang Dũng/VOV Paris