Hội nghị sơ kết nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, các bên liên quan xác định được thuận lợi, khó khăn, thách thức và phương hướng nhằm thực hiện Đề án một cách thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, hướng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể đã đặt ra.
Văn hóa đọc trong những năm qua đã chứng kiến nhiều khời sắc (Ảnh: Đức Anh)
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định, Đề án đã góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Kể từ khi Đề án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và ban hành, nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai sâu rộng tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, ngày 21.11 vừa qua, Luật Thư viện đã chính thức được Quốc hội thông qua với 91,51% số phiếu tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với ngành thư viện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam.
Nhiều dự án, chương trình cũng đã được triển khai nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong quần chúng gắn với học tập suốt đời. Theo đó, trong năm 2019, Bộ VHTTDL đã lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” triển khai trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi thu hút hơn 536.000 bài dự thi đến từ 4.400 trường tiểu học, THCS, THPT, đại học, học viện tham gia vòng sơ khảo. Cuộc thi đã minh chứng cho sức lan tỏa khi các đại sứ trở thành những người truyền cảm hứng, kết nối, chia sẻ trải nghiệm rộng rãi, tạo nên tình yêu đọc sách cũng như những phương pháp đọc hiệu quả.
Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, nhiều chương trình, dự án được tổ chức, cá nhân thực hiện như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Mọt sách Mogu. Sách chuyền tay... với nhiều hoạt động khác nhau vẫn tiếp tục được triển khai, mang lại cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em.
Hoạt động của hệ thống thư viện công cộng cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Năm nay, nhiều địa phương đã tiến hành đổi mới hoạt động thư viện về đa dạng hóa các loại hình, triển khai dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, đổi mới cấp thẻ bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh việc luân chuyển sách đến bưu điện văn hóa xã, trường học, trại giam... Với nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động thư viện, về tổng thể, hệ thống thư viện công cộng đã đạt được những con số đáng mừng. Tổng lượt bạn đọc đến thư viện chứng kiến sự bứt phá khi đạt hơn 47 triệu lượt (tăng 31% so với năm 2018); tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 80 triệu lượt.
Về thư viện tư nhân, đến nay, cả nước có 178 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Trong đó, phải kể đến thư viện tư nhân của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với vốn tài liệu hơn 10.000 bản sách và 1.000.000 tư liệu khác nhau về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là cả những người khuyết tật cũng rất tích cực tham gia vào việc xây dựng thư viện và không gian đọc cho cộng đồng. Tiêu biểu như anh Đỗ Hà Cừ (Thái Bình), liệt toàn thân do ảnh hưởng chất độc da cam đã mở không gian đọc Hy vọng tại nhà. Anh cũng giúp cho nhiều người khuyết tật khác mở thêm không gian đọc với những cái tên rất đẹp như: Ước mơ, Ánh sáng, Niềm tin,...
Bà Vũ Dương Thúy Ngà báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án (Ảnh: Đức Anh)
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, các đại biểu tại Hội nghị cũng nêu rõ những khó khăn trong thực hiện Đề án. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, hiện vẫn còn một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng, hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung vốn tài liệu. Tại một số nơi, cơ sở vật chất của thư viện nghèo nàn, chật chội. Điều này đã khiến tiêu chí 1 bản sách trên đầu người dân của Đề án rất khó thực hiện (hiện đang là 0.45 bản sách trên đầu người dân).
Bà Ngà cũng cho biết thêm, trong bối cảnh khoa học công nghệ không ngừng phát triển, nhu cầu đọc bằng nhiều hình thức hiện đại của người dân không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng, sản xuất các loại sách điện tử, sách nói... của các nhà sách, nhà xuất bản vẫn còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc thực hiện còn thiếu tính đồng bộ, chuẩn hóa.
Trước những khó khăn đó, bà Nguyễn Thị Ánh Thu (đại diện thư viện thị xã Dĩ An, Bình Dương) đề xuất: “Chúng ta nhất thiết phải tăng cường những ngày hội, lan tỏa văn hóa đọc. Tại nhiều khu công nghiệp, các đơn vị cần tăng luận chuyển đầu sách để công nhân, người lao động có thể giải trí sau giờ làm hoặc mượn về cho người thân trong gia đình".
Với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam ông cho rằng cần phát triển sâu rộng hơn nữa mạng lưới thư viện cộng đồng, xây dựng thế hệ đọc tương lai bằng cách tạo thói quen đọc cho học sinh bậc mầm non, tiểu học.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đề xuất ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Đức Anh)
Để làm được điều này, đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long chỉ rõ, cần xây dựng thư viện trường học thân thiện, tách biệt thư viện của giáo viên với học sinh. Nhà trường cần phân loại sách theo trình độ đọc, không ngừng đầu tư cho các hoạt động thư viện.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng đã trao tặng giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc năm 2019.
Các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng
Đồng thời, BTC cũng tổ chức triển lãm, trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của thư viện, các sáng kiến cá nhân trong phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của bạn đọc sáng tạo nên từ đọc, học tập qua sách báo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu tham quan triển lãm
Nhiều sản phẩm phục vụ bạn đọc được trưng bày
Theo baovanhoa.vn