Tin Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Chánh Tín, tài tử điện ảnh vang bóng một thời qua đời đột ngột sáng 4/1 khiến giới nghệ sỹ, những người yêu điện ảnh Việt không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.
Nghệ sỹ ưu tú Chánh Tín sinh năm 1952 tại Bạc Liêu, ông tham gia hoạt động nghệ thuật từ khi còn rất trẻ, trong những phong trào ca hát, diễn kịch của học sinh sinh viên Sài Gòn. Trước khi đến với nghiệp diễn viên, Chánh Tín từng là ca sỹ nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc ở Sài Gòn thời bấy giờ.
Năm 1972 ông khởi nghiệp điện ảnh khi đang là sinh viên Đại học Luật (Sài Gòn), dù chỉ là một vai khiêm tốn trong phim “Tuổi trẻ tình yêu.” Sau đó, ông tiếp tục tham gia đóng trong các phim như “Đời không trang điểm,” “Mẹ,” “Vĩnh biệt mùa hè”...
Sau giải phóng, Nguyễn Chánh Tín trở thành diễn viên kiêm ca sỹ, là nghệ sỹ gắn bó nhiều năm với Hãng phim Giải Phóng. Ông tham gia diễn xuất trong nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như “Giữa hai làn nước,” “Tình đất Củ Chi,” “Ván bài lật ngửa,” “Miền đất không cô đơn,” “Điệp khúc hy vọng,” “Ngôi nhà oan khốc,”“Chiếc mặt nạ da người,” “Bản tình ca cuối cùng,”“Con mèo nhung,” “Pho tượng”...
Dù đã đóng hàng chục phim nổi tiếng khác nhau, nhưng nhắc đến Chánh Tín, là công chúng nhớ ngay đến Đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim tình báo “Ván bài lật ngửa.” Nhân vật chính - nhà tình báo Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín đóng - là một trong những vai diễn kinh điển của màn ảnh Việt.
Nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa đã khắc ghi vào lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam qua diễn xuất của Chánh Tín
Qua 8 tập phim trong “Ván bài lật ngửa,” khả năng diễn tâm lý với những cảnh đấu trí căng thẳng, Chánh Tín đã hóa thân trọn vẹn vào vai diễn, từ những phân cảnh Nguyễn Thành Luân thâm nhập vào hàng ngũ địch, trở thành trợ thủ đắc lực của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm, vượt qua nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với đồng đội. Cuối cùng, anh chiến thắng trong “ván bài lật ngửa” với kẻ thù. Nét diễn có chiều sâu, trầm lặng và chững chạc do Chánh Tín thể hiện trong phim đã chinh phục được người xem cả nước.
Có thể nói, vai Đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa” là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự tỏa sáng trong sự nghiệp diễn xuất, đồng thời là vai diễn để đời của Nghệ sỹ ưu tú Chánh Tín.
Sinh thời, nghệ sỹ ưu tú Chánh Tín cũng thừa nhận, Nguyễn Thành Luân là vai diễn đỉnh cao mà ông mãi không vượt qua được. Đây cũng là vai diễn đã giúp ông giành được giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, một trong số những giải thưởng danh giá trong sự nghiệp điện ảnh của ông.
Sau “Ván bài lật ngửa,” Chánh Tín tiếp tục thành công trong lĩnh vực phim nhựa. Có thể kể đến phim “Ngôi nhà oan khốc” (1992) - tác phẩm do ông biên kịch có doanh thu một tỷ đồng, Chánh Tín thu hút khi lần đầu thử sức với đề tài kinh dị - tâm lý. Bộ phim này cũng mang về cho ông giải Diễn viên xuất sắc của Hội điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992.
Năm 1998 ông đánh dấu sự trở lại với phim tâm lý-xã hội qua vai một bác sỹ yêu bệnh nhân trong phim “Bến sông trăng.” Năm 2007, ông tiếp tục ghi dấu với phim “Dòng máu anh hùng” - tác phẩm do Charlie Nguyễn, cháu của ông làm đạo diễn.
Bên cạnh thành công với vai trò diễn viên, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Chánh Tín còn được biết đến với vai trò là Giám đốc hãng phim Chánh Phương. Bộ phim “Dòng máu anh hùng” do hãng phim của ông đầu tư sản xuất là bộ phim rất thành công về mặt nghệ thuật.
Với những đóng góp của ông cho nghệ thuật nước nhà, năm 2001, Chánh Tín được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.
Nói về nghệ sỹ ưu tú Chánh Tín, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy đánh giá, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Chánh Tín là một diễn viên tài năng của điện ảnh, cũng như của cả âm nhạc và sân khấu kịch nói. Trong cuộc sống, ông là người sống rất chân tình, bạn bè và đồng nghiệp ai cũng yêu quý ông.
“Thời của chúng tôi, ai cũng mê giọng hát của đôi song ca Chánh Tín- Bích Trâm, mê những vai diễn của Nguyễn Chánh Tín, từ trung úy Thiên trong Tình đất Củ Chi; Dũng trong Giữa hai làn nước; Nam trong Hạnh phúc ở quanh đây, Tùng trong Con mèo nhung; Lê Mai trong Pho tượng và Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa… Mỗi vai diễn của anh đều mang một nét riêng, sáng tạo, không lặp lại,” Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều nghệ sỹ, Nguyễn Chánh Tín là một diễn viên có tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và cẩn trọng. Ông có khả năng hóa thân vào nhiều mảnh đời, nhiều tính cách nhân vật khác nhau, đặc biệt là các vai diễn đòi hỏi diễn xuất về tâm lý nhân vật được ông thể hiện rất thành công, chinh phục được đông đảo khán giả.
Còn với các diễn viên nổi tiếng một thời như Việt Trinh, Lý Hùng… thì nghệ sỹ ưu tú Chánh Tín là một người đàn anh đáng ngưỡng mộ trong công việc, là một trong những tượng đài hiếm hoi của màn ảnh Việt.
Sự ra đi đột ngột của ông khiến cho những người đồng nghiệp, những công chúng mến mộ ông không khỏi bàng hoàng, tiếc thương về huyền thoại một thời của điện ảnh Việt, một nghệ sỹ say mê, bền bỉ với điện ảnh Việt Nam.
Phương Lan/ TTXVN/Vietnam+