Ngay trong những trận chiến khốc liệt nhất suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, âm nhạc vẫn luôn ngân lên xoa dịu tâm hồn. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này cũng vậy, các nhạc sỹ đã viết nên những ca khúc mới, góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sỹ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch.
Nhân ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9), Hội Nhạc sỹ Việt Nam sẽ tổ chức chương trình âm nhạc trực tuyến “Tiếng hát át COVID” giới thiệu những bài hát về cuộc chiến chống dịch. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam chia sẻ với độc giả VietnamPlus về ý nghĩa của chương trình.
Vai trò 'xung kích' của âm nhạc
- Thưa nhạc sỹ, ông đánh giá thế nào về vai trò của âm nhạc trong đời sống hiện nay, khi đại dịch đang bủa vây ở mọi nơi?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc luôn là vũ khí sắc bén và nhanh nhạy, luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng đất nước.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, giới văn nghệ sỹ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, đã có nhiều sáng tác mới để chia sẻ động viên kịp thời những người đang chiến đấu chống dịch.
Các nhạc sỹ Việt Nam tiếp tục bám sát tình hình thời sự, có những tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa, như một liệu pháp chữa trị cho tâm hồn bằng âm nhạc, góp phần phòng chống, đẩy lùi đại dịch. Âm nhạc luôn đóng vai trò “xung kích” trên mặt trận văn hóa-văn nghệ.
- Thực tế, các nhạc sỹ đã đóng góp tiếng nói của mình thông qua âm nhạc. Ông có thể chia sẻ thêm về các hoạt động của Hội Nhạc sỹ Việt Nam trong cuộc chiến này?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng chống COVID-19 và đã nhận được trên 200 tác phẩm. Hội đã kịp thời tuyển chọn 100 ca khúc chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin” và sau đó đã xây dựng một chương trình nghệ thuật online với tên gọi “Niềm tin chúng ta là người chiến thắng.” Chương trình đã tạo được tiếng vang trong xã hội.
Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt sáng tác lần thứ hai. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhận được trên 400 ca khúc của các tác giả trên cả nước gửi về. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sỹ đối với công cuộc chống dịch. Từ hơn 400 tác phẩm đó, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip để kịp phát sóng trực tuyến chương trình “Tiếng hát át COVID.”
Gần đây, Hội nhạc sỹ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp tổ chức cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu.”
Hiện nay, hội đã sẵn sàng có những kế hoạch xây dựng các chương trình ca nhạc trực tuyến, gửi tới đồng bào và chiến sỹ cả nước.
- Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng của hơn 400 ca khúc mới sáng tác gần đây thông qua cuộc vận động?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Trong điều kiện giãn cách xã hội, các nhạc sỹ, nhạc công, các kỹ thuật viên phòng thu… đã vượt qua khó khăn, lao động ngày đêm, vượt thời gian để làm sao có được những sản phẩm âm nhạc kịp thời giới thiệu với công chúng.
Bằng phương thức làm việc trực tuyến, các nhạc sỹ sáng tác rồi gửi bài cho các ca sỹ thể hiện để tuyên truyền trên mạng xã hội. Những bài hát góp phần tích cực giúp đỡ, động viên toàn quân và dân cả nước trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi đại dịch.
Tôi thực sự xúc động và cảm ơn các nhạc sỹ, các nhà thơ, các ca sỹ biểu diễn đã phối hợp với hội để thể hiện sự đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Những tiếng hát góp niềm tin chống dịch
- Xin nhạc sỹ nói rõ hơn về chương trình biểu diễn trực tuyến “Tiếng hát át COVID”?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Số đầu tiên đã lên sóng cuối tháng Tám, số thứ hai sẽ diễn ra vào 10h ngày 3/9 để chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Chương trình giới thiệu những ca khúc mới sáng tác, đề cập đến các khía cạnh của cuộc chiến chống dịch. Mỗi bài hát là một sắc thái riêng, một hình thức riêng từ hành khúc đến tình ca, từ những bài mang tính chất kêu gọi, cổ động đến những trạng thái chia sẻ tâm tình. Tuy vậy, các bài hát có cùng một chủ đề: Hướng tới quyết tâm đồng lòng dập dịch và niềm tin chiến thắng.
Chương trình ngày 3/9 có sự tham gia của các nghệ sỹ Nhà hát Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu I, Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng và Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các ca sỹ Lê Anh Dũng, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Đình Thậm…
Khán giả sẽ lắng nghe những bài hát rất xúc động như “Hết dịch về với con” (nhạc Đình Thậm, thơ Đỗ Quý Doãn); “Em ở nhà chống dịch” (nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn); “Nhớ, nhớ, nhớ 5K” (tác giả Nguyễn Văn Hạnh), “Đồng lòng chống dịch” (nhạc sỹ Lê Trọng Nin) và “Việt Nam sẽ chiến thắng” (nhạc sỹ Vũ Đình Ân)…
Các nhạc sỹ sẽ chia sẻ với khán giả cảm hứng để viết nên những tác phẩm của mình. Thông qua các tác phẩm âm nhạc, các nghệ sỹ cùng góp thêm tiếng nói quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
- Việc kết nối các nghệ sỹ, nhạc sỹ tham gia chương trình trực tuyến hẳn có nhiều khó khăn, thưa ông?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Do điều kiện giãn cách nên việc tập trung đông người tại một phòng thu là không thể thực hiện được, buộc lòng chúng tôi phải chọn hình thức “xé lẻ đội hình” – thu thanh riêng từng bộ phận và sau đó mới tổng hợp chất liệu để hoàn chỉnh một tác phẩm. Việc ghi hình cũng gặp khó khăn vì không thể quay những cảnh ở ngoài không gian mở như đường phố, công viên… Do vậy nên chương trình có phần hạn chế về mặt hình ảnh, chỉ có cảnh ca sỹ biểu diễn trong phòng thu, lồng ghép cùng với những hình ảnh về cuộc chiến chống dịch sao cho phù hợp với nội dung bài hát.
Để có được một chương trình như vậy, tôi muốn cảm ơn các nhạc sỹ đã nhiệt tình gửi bài tham gia, cám ơn các ca sỹ, nghệ sỹ toàn quốc đã nhiệt tình thu thanh và ghi hình biểu diễn.
- Thưa nhạc sỹ, vậy cá nhân ông có sáng tác nào về chủ đề chống COVID-19, xin ông chia sẻ?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Tôi đã sáng tác hai bài. Thứ nhất là “Mẹ ơi con sẽ về” (thơ: Hồng Vinh) nói về tâm trạng của một nữ bác sỹ trẻ, phải gửi con nhỏ cho mẹ chăm sóc để đi vào tâm dịch với quyết tâm cứu sống bệnh nhân và ngày chiến thắng sẽ trở về. Một bài hát mang tính tâm sự nội tâm sẽ được ca sỹ Bùi Trang thể hiện trong chương trình ngày 3/9.
Bài thứ hai với tên gọi “Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương” là tình cảm gửi tới người dân trong vùng bị cách ly phong tỏa và tấm lòng của nhân dân khắp các vùng, miền hướng về Thành phố Hồ Chí Minh bằng những sẻ chia vật chất và tinh thần, truyền lửa niềm tin vào cuộc chiến cam go rằng chúng ta nhất định thắng lợi. Bài hát được ca sỹ Đào Tố Loan thể hiện trong chương trình ngày 29/8.
Theo VietnamPlus
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |