Trẻ con không còn mơ ăn ngon, mặc đẹp
Anh Lê Hùng, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, kể lại: “Nhớ lại ngày xưa mỗi dịp tết ta đến là háo hức, mong ngóng được ba mẹ mua cho áo mới, dép mới. Đến trong giấc mơ cũng mơ thấy cảnh sáng mùng một mặc bộ đồ còn thơm mùi vải ra đầu ngõ khoe với trẻ con hàng xóm. Rồi mong tết để được ăn bánh chưng, thịt đông, cá kho mẹ nấu… Do thời đó nghèo khổ quá, chỉ tết về mới được ăn ngon mặc đẹp, chứ suốt những ngày tháng trong năm chỉ toàn mặc đồ cũ, ăn uống đạm bạc. Ngày nay thì sao? Trẻ con không thiếu thốn một thứ gì, quanh năm ăn ngon mặc đẹp rồi, nên chúng cũng không còn mong đợi tết nhiều. Có chăng là mong tết vì được nghỉ học và được nhận lì xì”.
Anh Hùng ngậm ngùi khi tết ngày nay không còn gắn kết nhiều như xưa. Trẻ con thì không hiểu những giá trị tinh thần của ngày tết như phải hiếu lễ với ông bà cha mẹ, chúc tết người lớn, hướng đến tổ tiên… Người trẻ thì thích đi du lịch, không còn nghĩ nhiều đến chữ “lễ”, không còn hướng về gia đình. Nhất là tết ở thành phố, phong tục đến nhà nhau chúc tết ngày đầu năm cũng không còn tồn tại ở nhiều gia đình. “Vì thế, với nhiều người, tết bây giờ giống như một kỳ nghỉ nhiều hơn. Chúng ta mong tết đến để được nghỉ ngơi, ngủ nướng, đi chơi, chứ không còn thấy tết là một điều gì đó thiêng liêng như trước nữa”, anh Hùng nhìn nhận.
Sinh viên lỉnh kỉnh đồ đạc về quê
Cũng cho rằng tết ngày nay đã phai nhạt đi ít nhiều, chị Nguyễn Mỹ Hân, giáo viên Trường THCS Phước Thiền, Đồng Nai, bày tỏ: “Không chỉ người lớn không còn thấy tết thiêng liêng, mà trẻ con cũng không cảm nhận được những giá trị tinh thần của tết. Con nít mong nhận lì xì để bỏ ống heo với ý nghĩ sẽ dành dụm được một khoản tiền lớn để mua đồ chơi, mua gì mình muốn. Chúng không hiểu được ý nghĩa của lì xì mang giá trị tinh thần nhiều hơn, một phần cũng do người lớn làm sai lệch ý nghĩa đó. Bánh chưng không còn được gói ở nhiều gia đình, mà đi mua cho gọn lẹ. Mọi người vẫn đi chúc tết nhau nhưng cũng không còn không khí như xưa nữa, tôi cảm nhận nó rời rạc đi rất nhiều. Thậm chí người ta chúc tết nhau qua điện thoại, qua Facebook, Zalo nên có lẽ không cần gặp mặt nhau nữa”.
Theo chị Hân, những tác động của công nghệ, sự đô thị hóa mạnh mẽ khiến cho ngày tết không còn ấm áp, sum vầy, thiêng liêng như trước.
Nhưng vẫn không thể bỏ tết
Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng dù thế nào thì cũng không thể bỏ tết. “Theo em, tết ta không nên chỉ hiểu như một dịp để nghỉ ngơi mà đây còn là dịp đoàn viên. Tết là dịp để những người con ở xa trở về, có những bạn cả một năm chưa có thời gian, cơ hội và cả tài chính để có thể về thăm quê thường xuyên. Sinh viên, công nhân, rồi cả những người cha mẹ bỏ con ở quê để đến nơi khác tìm kế sinh nhai nữa. Vì thế, tết vẫn có ý nghĩa mặt tinh thần và tình cảm rất lớn đối với người Việt. Tết ta còn mang cả truyền thống, cả dư vị quê hương khi chúng ta có thể gặp gỡ họ hàng, người thân ở quê mình”.
Trí cho rằng trong cuộc sống hiện đại, mọi người như bị cuốn theo dòng chảy của công việc và tiền bạc, nên tình cảm gia đình dường như đang nhạt dần và khoảng cách giữa cá nhân trong gia đình ngày một lỏng lẻo hơn, nên nếu bỏ tết ta nữa thì sẽ không còn sợ dây gắn kết nào nữa. Hãy coi tết là dịp để mỗi thành viên trong gia đình thắt chặt tình thân, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Công ty phần mềm Dân Trí Soft tại TP.HCM cũng cho rằng không thể bỏ tết ta vì đây là dịp hiếm hoi để gia đình sum vầy và đoàn tụ. “Đây chính là ý nghĩa tinh thần lớn nhất của tết, bên cạnh những giá trị mang tính truyền thống khác”, anh Hiếu cho hay.
Hà Thành/ thanhnien.vn