Thông thoáng thủ tục cấp phép
Năm 2017, câu chuyện cấm 5 ca khúc nổi tiếng thuộc dòng “nhạc vàng” sáng tác trước năm 1975 gây xôn xao dư luận. Xôn xao bởi đó là những ca khúc mà nhiều thế hệ và nhiều người Việt Nam yêu thích, đã trở thành quen thuộc. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho rằng, đó là những ca khúc chưa được cấp phép.
Sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL): “Ca khúc nào đã quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng thì không nên cấm lưu hành. Các quyết định điều hành phải tiến hành trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật”.
Bởi vậy, khi Bộ VHTT&DL xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vấn đề cấp phép ca khúc trước năm 1975 được dư luận hết sức quan tâm.
Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, dự thảo Nghị định bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975. Theo đó, Điều 4 của dự thảo đưa ra quy định về điều kiện đối với chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Các chương trình, tiết mục, bản ghi được phổ biến khi không có một trong các nội dung: chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, quyền chủ quyền; xúc phạm vĩ nhân, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực; âm thanh, hình ảnh, động tác... biểu hiện hành vi tệ nạn xã hội, dâm ô, đồi trụy... trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý xã hội...
Các cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ được nới lỏng quy định cấp phép
Theo ông Vinh, hiện nay nghệ sĩ chỉ được biểu diễn các bài hát đã được cấp phép phổ biến. Điều này là cần thiết cho công tác quản lý trong giai đoạn vừa qua nhưng cần thay đổi để thích ứng với xã hội hiện nay, tạo thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tôn trọng quyền sáng tạo và hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật của nhân dân.
Ban soạn thảo xác định tác phẩm là sở hữu của cá nhân, quyền công bố thuộc về chủ thể, người dân có quyền sáng tạo và hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật. Nếu cho hưởng thụ cái gì công chúng mới được hưởng thụ thì không phù hợp trong điều kiện mới.
Người đẹp sẽ không phải “thi chui”
Một điểm được xem là “thoáng” trong dự thảo Nghị định, đó là quy định đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTT&DL căn cứ vào tình hình cụ thể từng năm để xem xét, quyết định nhưng mỗi năm không quá 2 cuộc. Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu toàn quốc, người đẹp, người mẫu cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức vòng chung kết xem xét, quyết định nhưng mỗi năm không quá 1 cuộc tại địa phương.
Điểm nổi bật là dự thảo lần này đã bỏ điều kiện dự thi người đẹp, người mẫu trong nước với yêu cầu là “công dân nữ” như trước đây. Điều này theo chia sẻ của các thành viên ban soạn thảo thì các cuộc thi “người đẹp”, “nam vương” hay kể cả những cuộc thi với các tiêu chí đặc biệt khác cũng có thể được chấp nhận nếu như không vi phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ bỏ cấp phép cho các người đẹp đi thi hoa hậu, người mẫu, người đẹp ở nước ngoài. Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP đang có hiệu lực, top 3 các người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi các cuộc thi người đẹp ở nước ngoài. Theo dự thảo Nghị định mới, tất cả các cá nhân có đủ điều kiện theo yêu cầu của cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà thí sinh muốn dự thi đều được cấp phép tham gia.
Giấy phép này cũng do địa phương quản lý cấp. Điều này có thể coi là bước tiến trong tư duy quản lý. Bởi trước đây, không ít người đẹp đã bị phạt vì vướng quy định, bị gắn mác “thi chui”. Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là Lê Âu Ngân Anh. Năm 2017, dù đoạt danh hiệu Hoa hậu Đại dương nhưng cô bị Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi thu hồi lại kết quả, đề nghị thu hồi vương miện hoa hậu vì từng phẫu thuật thẩm mỹ trước khi dự thi. Nhưng sau đó, người đẹp vẫn tham gia cuộc thi Miss Intercontinental 2018 (Hoa hậu Liên lục địa) diễn ra tại Philippines.
Cùng trong danh sách các người đẹp “thi chui” còn có Nguyễn Thị Thành. Cô tham gia cuộc thi Miss Eco International diễn ra ở Ai Cập và giành danh hiệu Á hậu 3. Tuy nhiên, người đẹp bị Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh phạt 22,5 triệu đồng vì không có giấy phép.
Danh sách này còn dài nhưng án phạt nặng nhất cho các người đẹp “thi chui” có thể kể đến Mai Ngô. Ngoài án phạt hành chính 22,5 triệu đồng từ Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh vì tham dự cuộc thi quốc tế Asians Next Top Model 2016 khi chưa xin phép, người đẹp còn bị cấm biểu diễn ở tất cả các chương trình tổ chức tại Việt Nam một thời gian vì bị mời lên Sở làm việc 3 lần mà không xuất hiện.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ nhiều băn khoăn về hoạt động tổ chức biểu diễn
Nhiều băn khoăn
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam băn khoăn về việc đơn vị có địa điểm tổ chức sự kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng với phía tổ chức biểu diễn khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che giấu vi phạm pháp luật vẫn chưa thực sự rõ ràng. Mặc dù có đến 4 điều quy định vấn đề này gồm Điều 8 về “Điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật”, Điều 9 về “Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật”, Điều 11 về “Yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục vi phạm”, Điều 12 về “Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật”.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, các sai phạm nếu có thì chỉ khi đơn vị biểu diễn xong thì mới có thể phát hiện được. “Nếu họ chưa tổ chức thì làm sao để dừng hoạt động biểu diễn mà không phải đền bù thiệt hại. Trong khi chương trình hoàn toàn không vi phạm an ninh quốc phòng, hay bị ảnh hưởng thiên tai địch họa... Điều này phải làm rõ, nếu không sẽ rất phức tạp”, NSND Lê Tiến Thọ nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng Phòng Biểu diễn nghệ thuật (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), dự thảo Nghị định lần này có nhiều ưu điểm, đã giảm thiểu những thủ tục hành chính. Việc quy định điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật trong Nghị định (Điều 8) hết sức cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều sự kiện biểu diễn nghệ thuật xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Trực cũng bày tỏ một số ý kiến phân vân như hiện nay có những hồ sơ mà địa phương không cấp phép được như trình diễn thời trang nghệ thuật phun xăm, trình diễn thời trang áo tắm... Theo quy định cũ, nếu xin cấp phép biểu diễn về thời trang thì phải gửi các bộ mẫu thời trang lên trước để duyệt. Bởi vậy, không ít chương trình gửi lên Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhưng cơ quan quản lý “không dám” cấp phép.
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn không đủ nhân lực để kịp thời phát hiện từng vụ việc ở các địa phương. Vì vậy, giao quyền cho địa phương kiểm soát là hiệu quả nhất. Nhưng đối với các đơn vị quản lý, bản thân chúng ta phải thay đổi quan niệm về cái đẹp, nếu không sẽ khó tiếp nhận với các sản phẩm có cái mới.
“Những văn hóa ngoại nhập mà không nguy hại, được lớp trẻ thích thì những người quản lý cũng phải chấp nhận. Nghệ thuật không phải là thứ chỉ dành riêng cho một nhóm người”, ông Vinh nói.
Với kinh nghiệm quản lý đơn vị biểu diễn công lập nhưng cũng tham gia biểu diễn tại các chương trình thương mại, NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, để địa phương quản lý hiệu quả, cần minh bạch trong cơ chế. Điều cần thiết là xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối Cục Nghệ thuật biểu diễn với các sở, các địa phương.
Nhiều ca khúc đã quen thuộc với khán giả nhưng bị cho rằng chưa được cấp phép phổ biến
“Chỉ khi tất cả dữ liệu kết nối được với nhau mới có thể quản lý nhà nước tốt hơn. Từng biểu diễn trong đơn vị nhà nước và tham gia chương trình bên ngoài, tôi thấy nhiều đơn vị được cấp phép nhưng lại treo đầu dê, bán thịt chó. Địa phương phát hiện cùng lắm là phạt, sau đó lại đi địa phương khác, tiếp tục vi phạm. Có cơ sở dữ liệu sẽ có quản lý chắc chắn, 3 lần vi phạm hoàn toàn có thể tước giấy phép”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Vẫn bỏ lọt sản phẩm công nghệ
Đáng tiếc là, Dự thảo lần này vẫn chưa đề cập đến việc quản lý các sản phẩm ghi âm, ghi hình được phổ biến trên mạng Internet. NSƯT Xuân Bắc bày tỏ sự quan ngại đối với lĩnh vực này bởi trong thời gian vừa qua có nhiều chương trình được phổ biến trên mạng xã hội một cách vô tội vạ, trong khi cơ quan quản lý văn hóa dường như vẫn chưa kiểm soát được và buông lỏng.
Trong thời gian qua, dư luận từng bày tỏ lo ngại khi nhiều ca khúc, MV của các ca sĩ tự phong xuất hiện tràn lan trên mạng Internet. Những bài hát với hình ảnh dung tục, ca từ nhảm nhí như: Như lời đồn, Như cái lò, Nắng cực, Tự sướng... "Em thấy nóng quá, em chỉ cần 1 ly nước đá, đừng bắt em phải ra ngoài đường, em chỉ cần có bốn bức tường, bật điều hòa và một cái giường... Ở trên giường, anh là thiên đường"... rồi đầy rẫy hình ảnh của nữ nhân vật chính với trang phục và vũ đạo khêu gợi, uốn éo đầy dung tục minh họa cho lời hát nhảm nhí. Nếu không quản lý, việc phát hành những MV, ca khúc này trên Internet khác nào để tràn lan sản phẩm văn hóa độc hại.
Đồng quan điểm về việc này, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, hình thức biểu diễn trực tiếp không đáng quan ngại bằng các hình thức biểu diễn trên mạng Internet. Vì thế, dự thảo cần nói rõ việc quản lý lĩnh vực này có nằm trong Nghị định hay không, nếu không thì sẽ có biện pháp như thế nào để quản lý hình thức đó.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL Hoàng Minh Thái thừa nhận, hiện nay trên mạng xã hội đúng là “có đủ thứ” mà cơ quan quản lý văn hóa vẫn đang chưa nghĩ ra cách nào hiệu quả để có thể quản lý. Đại diện Bộ VHTT&DL nói thêm, để tháo gỡ vướng mắc này, trong dự thảo cũng đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trong đó, Bộ Thông tin & Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTT&DL và Bộ Công an trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng.
Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung đã được sửa đổi cho phù hợp với luật và thực tiễn quản lý chính sách như nội dung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình biểu diễn nghệ thuật. Theo kế hoạch, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại phía Nam trong tháng 11. |
Theo antg.cand.com.vn