1. Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhân là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Do đó, lễ hội cồng chiêng là một sự kiện quan trọng không chỉ của người dân Tây Nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam.
Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong lễ hội, các nghệ nhân sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hóa của dân tộc mình.
Cồng chiêng Tây Nguyên bao giờ cũng có bộ, mỗi dân tộc có một bộ chiêng khác nhau, ví dụ dàn chiêng Ê Đê có từ 7- 10 chiếc. Các tộc người Tây Nguyên quan niệm nhạc cụ cũng như con người, cồng chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều nghi lễ thì càng thiêng.
Cồng chiêng không chỉ để giao lưu với thần linh, thông tin đến mọi người trong buôn làng mà còn là tâm hồn của người dân Tây Nguyên. Do mang đậm màu sắc văn hóa, nên lễ hội cồng chiêng thường được giới thiệu trong các chương trình du lịch. Những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc sẽ được dựng lại để giới thiệu với du khách, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc.
2. Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Lễ đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng. Lễ hội thường được tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Người chủ trì là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí. Một cột chính bằng cây Pleng hay cây Xmuôn được chọn vững để buộc trâu. Quanh đó là các cột trang trí bắt mắt. Những chàng trai trong làng cởi trần, đóng khố, tay cầm gậy múa Kơ-tếch, giành riêng cho lễ hội đâm trâu. Những thanh niên khỏe mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa đâm trâu.
Khi con trâu đã tắt thở, dân làng xẻ thịt trâu và chia đều từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung. Lúc này cả làng quây quần bên ghè rượu cần, bên những mâm thịt, cùng nhau nhảy múa, ăn uống bên đống lửa, tận hưởng thành quả của buổi lễ.
Lễ hội đâm trâu là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng. Qua đó, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ. Ý nghĩa của lễ hội đâm trâu còn được phản ánh qua không khí linh thiêng, đậm chất núi rừng. Lễ hội thể hiện đầy đủ những sắc thái đặc trưng của văn hóa tộc người: cầu mùa, cầu an, cầu phúc.
3. Lễ hội đua voi
Lễ hội đua voi thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm tại Buôn Đôn, bởi đó là thời điểm dân làng chuẩn bị vào mùa vụ mới, vì thế việc tổ chức đua voi cũng có ý nghĩa cầu mong cho vụ mùa được tốt tươi. Thời điểm này tại khắp các buôn làng đều nhộn nhịp, nô nức.
Bãi đua là một bãi đất trống, bằng phẳng, có chiều dài khoảng 400-500m, chiều ngang rộng chừng 10 con voi xếp hàng. Trên lưng mỗi chú voi là hai chàng quản tượng có nhiệm vụ điều khiển voi. Trước khi vào cuộc đua, theo lệnh điều khiển của nài voi, các chú voi nối đuôi nhau xếp thành hàng, từ từ quỳ phục như một động tác chào ban giám khảo và khán giả. Sau đó mới vào vị trí xuất phát. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và ngân lên, các chú voi bật lên như lò xo, phóng về phía trước, cộng hưởng với tiếng hò reo cổ vũ của khán giản nghe rầm rập cả đất trời.
Những chàng trai quản tượng trong trang phục dân tộc rực rỡ ngồi trên lưng voi. Người cầm gậy ngồi trước điều khiển cho voi chạy thẳng đường, người ngồi sau thì cầm gậy hoặc búa gỗ quất vào mông voi, thúc cho voi tăng tốc thật nhanh.
Cuộc đua phải qua nhiều vòng. Bên cạnh việc đua voi trên cạn, người quản tượng còn phải thể hiện sự tài giỏi qua việc điều khiển voi bơi qua sông Sêrêpôk. Kết thúc cuộc thi, voi thắng cuộc được đeo một vòng nguyệt quế cũng những khúc mía, trái chuối của người tham dự lễ hội.
4. Lễ ăn cơm mới
Thời gian diễn ra lễ hội là vào cuối năm âm lịch, khi người dân đã thu hoạch xong lúa. Lúc này, các dân tộc Tây Nguyên tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để thụ hưởng kết quả của quá trình lao động vất vả. Trong những ngày diễn ra lễ hội, phụ nữ lo việc nấu nướng, bếp núc; đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt. Khách khứa hay họ hàng từ các buôn gần xa đều đến chung vui. Mọi người ăn uống, hát hò thâu đêm với cơm lam, gà nướng, lợn quay và rượu cần.
Lễ ăn cơm của người dân Tây Nguyên mang đậm dấu ấn của tục ăn năm, uống tháng, nhàn hạ trong không khí mùa xuân của núi rừng. Họ vui say thỏa thích để rồi sau đó lại hăng hái chuẩn bị cho một vụ mùa mới với nhiều hy vọng.
5. Lễ bỏ mả
Lễ bỏ mả là một trong những lễ hội độc đáo nhất của người Tây Nguyên, mang trong mình cả một truyền thống ứng xử đầy nhân văn của người sống đối với người chết.
Một số dân tộc ở Tây Nguyên có quan niệm về luân hồi vòng đời của mỗi con người. Đó là sau khi chết, phải qua lễ bỏ mả thì hồn của người chết mới về với tổ tiên. Và sau một thời gian sẽ trở lại, tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Chính vì quan niệm như vậy mà đối với người dân tộc Tây Nguyên, lễ bỏ mả là dịp để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi.
Thời gian bỏ mả là từ một đến ba năm, khi gia đình của người chết có đủ trâu bò, rượu thịt. Nghi thức bỏ mả được diễn ra ở khoảng đất gần nơi chôn người chết. Bò được xẻ thịt ngay tại đó, rượu cần được buộc thành hàng, bàn cúng được dựng bằng tre, nứa, trên đó bày đồ cúng cho linh hồn người chết.
Tiếng cồng chiêng, những điệu múa, những ngôi nhà mồ uy nghi, những bữa ăn truyền thống, những bài cúng thẫm đẫm chất văn nghệ dân gian…tạo nên bức tranh văn hóa sống động, góp phần tô vẽ cho bức tranh văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc.
Phạm Dương (tổng hợp)