Văn hóa

Đài TNVN - Người bạn thân thiết của buôn làng

16:12 - 04/09/2020
Cùng với 75 năm lịch sử vẻ vang của Đài TNVN, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên cũng đã gần 30 năm xây dựng và phát triển. Với 6 chương trình phát thanh tiếng dân tộc Tây Nguyên gồm: Ê Đê, Ja Rai, Ba Na, Xơ Đăng, M’Nông và K’Ho, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thính giả, và trở thành người bạn thân thiết của bạn nghe đài ở các buôn làng gần xa.

PTV Thị Đoắt (Chương trình tiếng M’Nông) tiếp xúc bạn nghe Đài ở Đăk Nông

Chương trình phát thanh tiếng Ê-đê là chương trình đầu tiên của Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực Tây Nguyên sản xuất sau ngày thống nhất đất nước. Gần 30 năm phát sóng, chương trình cung cấp cho bà con những thông tin thời sự hàng ngày, phổ biến kiến thức mọi mặt và góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá, tiếng nói của dân tộc Ê đê. 

Gắn bó với chương trình hàng chục năm qua,  Amí H’Lyn, tại Buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pôc, huyện Cư Mgar, tỉnh Dak Lak chia sẻ: “Tôi rất vui khi được nghe chương trình phát thanh tiếng Êđê của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản thân tôi rất thích chương trình này vì hữu ích cho cuộc sống của bản thân mình và gia đình và chương trình hữu ích cho bà con, giúp bà con chăm sóc cà phê, cao su, chăn nuôi."

Những năm gần đây, cùng với Đài phát sóng đặt tại tỉnh Đắk Lắk, Đài TNVN còn xây dựng, lắp đặt thêm nhiều trạm tiếp sóng ở các địa phương trong khu vực Tây Nguyên, nên các chương trình phát thanh dân tộc thiểu số đã vươn tới vùng sâu vùng xa. Việc lắp đặt máy phát sóng ở thành phố Pleiku đã giúp phần lớn người Ba Na, Jarai ở tỉnh Gia Lai nghe rõ chương trình của Đài TNVN. 

Ông A Đâm ở thôn Long ‘Jon, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết, từ khi có máy tiếp sóng FM do Đài TNVN đầu tư lắp đặt tại tỉnh Kon Tum nên chương trình tiếng Xơ Đăng và Bahnar đã vươn tới vùng sâu, vùng xa.

Ông A Đâm chia sẻ: “Hiện nay tôi rất thích nghe chương trình dân ca Xơ Đăng phát trên làn sóng của Đài TNVN, nhất là nghe các nghệ nhân hát về làn điệu ayo, rơngê, ting ting. Giọng hát của các ông bà nghệ nhân phát trên làn sóng nghe rất hay, rất rõ. Tôi thấy thực trạng hiện nay là các làn điệu dân ca, lời hát của dân tộc Xơ Đăng đối với giới trẻ bây giờ không còn mặn mà lắm. Do vậy, tôi mong chương trình phát thanh tiếng Xơ Đăng của Đài TNVN tăng cường phát nhiều hơn các chương trình dân ca để tuyên truyền cho thế hệ trẻ được nghe, được hiểu và biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình."

Còn già làng Dơng Gur Ha Long (dân tộc K’Ho) ở thôn Dà Mpao, xã Dà Dờng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thì cho biết, từ khi có trạm phát sóng tiếng K’Ho do Đài TNVN lắp đặt tại Đà Lạt, bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn nghe rõ Chương trình tiếng K’Ho do Cơ quan thường trú Tây Nguyên sản xuất. Đối với ông Đài như là vật bất ly thân, là người bạn thân thiết.

Già làng Dơng Gur Ha Long tâm sự: “Khi lên rẫy tôi cũng mang theo radio, về nhà thì đài luôn ở đầu giường. Nhờ nghe Đài TNVN mà tôi nắm bắt được chủ trương đường lối của Đảng, cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền lại cho bà con. Mình gương mẫu thực hiện trước, bà con làm theo sau."

BTV K’Brọp (Chương trình tiếng K’Ho) tác nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng

So với 5 chương trình tiếng dân tộc thiểu số khác do Cơ quan thường trú Tây Nguyên sản xuất thì Chương trình phát thanh tiếng M’nông trẻ nhất, cũng đã tròn 14 năm. Ông Điểu N’glơr ở xã Dak Ndrung, huyện Dăk Song, tỉnh Đắk Nông cho biết, nhờ nghe chương trình tiếng M’nông trên Đài TNVN, bà con được thưởng thức đầy đủ tất cả các làn điệu dân ca các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân ca M’Nông, rất phong phú và đa dạng.

Ông Điểu N’glơr cho biết: “Qua các chương trình phát thanh tiếng M’nông, bà con học được nhiều thứ lắm. Từ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến áp dụng khoa học kỹ thuật để áp dụng vào kinh tế gia đình. Thông qua Đài, thế hệ trẻ nghe và biết được văn hoá của mình để gìn giữ, lưu truyền trong đời sống hiện nay, tôi thấy rất hay và ý nghĩa. Chương trình có thể phát nhiều hơn về các làn điệu dân ca như têt ta wêu, đối đáp giao duyên nghe hay lắm."

PV/VOV Tây Nguyên