Quy mô tổ chức đám cưới thường được coi là hình thức để đánh giá địa vị xã hội của một gia đình tại Ấn Độ. Ảnh: AFP
Đó là một trong những dấu hiệu về sự suy giảm mạnh của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với việc người Ấn Độ chi tiền ít hơn cho tất cả mọi thứ, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến các sự kiện chỉ tổ chức một lần trong đời.
Hãng thông tấn AFP đưa tin tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục 6 năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Giá cả cũng leo thang. Người dân thắt chặt chi tiêu mọi thứ từ dầu gội đến thuê bao di động.
Kế toán viên Palak Panchamiya là một ví dụ. Cô đã 1/3 số tiền dành cho lễ cưới ở Mumbai sắp tới còn một phần ba, cũng như hạn chế mua sắm quần áo và rút gọn danh sách khách mời. “Ban đầu tôi chọn váy cưới giá 73.000 rupee (1.000 USD). Nhưng chồng tôi cảm thấy nó quá đắt nên tôi đến đây để tìm chiếc váy rẻ hơn”, Panchamiya nói trong lúc chọn trang phục tại một triển lãm đám cưới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường KPMG, ngành dịch vụ đám cưới khổng lồ ở Ấn Độ ước tính thu được 40 – 50 tỷ USD mỗi năm. Hôn lễ có thể kéo dài cả tuần. Bàn tiệc chất đầy thức ăn. Khách mời hát, múa suốt ngày đêm.
Tuy nhiên những ngày này, ngoại trừ giới siêu giàu – đám cưới của thương gia Mukesh Dhirubhai mới đây vẫn tiêu tốn khoảng 100 triệu USD - sự hoang phí đã hết thời và sự giản đị đã lên ngôi. Ông Maninder Sethi, người sáng lập công ty tổ chức sự kiện Wedding Asia cho biết: “Trước đây, các đám cưới của người Ấn Độ được tổ chức như thể nhạc hội quy mô lớn, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi”.
Ảnh: AFP
Những biến động xuất hiện từ năm 2016 trùng thời điểm mùa cưới từ tháng 9 đến giữa tháng 1 tại quốc gia Nam Á này khi chính phủ bất ngờ rút lượng lớn tiền mặt khỏi lưu thông nhằm kiểm soát tình trạng trốn khai báo thu nhập. Tại thời điểm đó, công ty thiết kế trang phục cưới môn Sapna Designs trụ sở ở Mumbai đã phải đóng cửa nhiều tháng vì ế ẩm.
Niềm hy vọng về sự phục hồi của giới kinh doanh ở Ấn Độ chẳng kéo dài khi lệnh cấm tiền mặt được nối tiếp bằng biện pháp áp thuế dịch vụ và hàng hóa (GST) trên toàn quốc năm 2017, dẫn đến nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ phải đóng cửa.
Kể từ đó, cầm cự cho Sapna Designs tiếp tục hoạt động đã trở thành một thử thách đối với ông chủ Vishal Hariyani. “Chúng tôi thiết kế trang phục dựa trên khả năng tài chính của khách hàng. Và giờ đây, đám cưới kéo dài cả tuần đã rút ngắn thành buổi lễ dài 36 tiếng. Chúng tôi phải nộp thuế, trả lương nhân viên và thậm chí phải giảm giá cho khách hàng”, ông Hariyani chia sẻ với AFP.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm đã buộc tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ phải tằn tiện hơn. “Toàn bộ nền kinh tế đã giảm tốc và việc giảm chi tiêu cho đám cưới chỉ là một phần kết quả. Trừ giới siêu giàu, ai cũng bị ảnh hưởng, chuyên gia Pradip Shah tại IndAsia Fund Advisors nói. Theo bà, điều này cũng phản ánh tâm trạng của người dân đang u ám đến thế nào.
Tại đất nước nơi các gia đình có truyền thống mạnh tay dốc hầu bao cho đám cưới – trong đó có người phải vay nợ - sự suy giảm này cũng chính là một nguồn cơn của nỗi buồn và sự tủi hổ khi những sự kiện trọng đại như vậy thường được xem là hình thức để đánh giá địa vị xã hội.
Bà Shah chia sẻ: “Thời của tôi, chúng tôi luôn bỏ ra rất nhiều tiền, mời hàng ngàn người đến dự lễ cưới. Đám cưới của tôi vô cùng hoành tráng. Đến thời con trai tôi, mọi thứ ở thái cực đối lập”.
Hoàng Trang/Báo Tin tức