Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, các làng nghề đã bảo đảm đúng tiến độ thi công, trưng bày cũng như các thiết kế trang trí được phê duyệt. Trước đó, có một số mẫu trang trí do các nghệ nhân tự trưng bày không nằm trong kế hoạch và không bảo đảm thẩm mỹ nên Sở đã yêu cầu các nghệ nhân di dời.
Các gian trưng bày được yêu cầu bảo đảm tôn vinh tinh hoa làng nghề Hà Nội nhưng vẫn phải bảo đảm phòng, chống dịch
"Tất cả các gian trưng bày được yêu cầu bảo đảm làm nổi bật giá trị văn hóa, tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống nhưng vẫn đậm tính sáng tạo và thẩm mĩ. Bên cạnh đó, các gian trưng bày được yêu cầu thực hiện công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, cung cấp nước sát khuẩn cho người dân và du khách", ông Tô Văn Động nói.
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020 nhằm giới thiệu những nét tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội được trưng bày tại khu vực nhà Bát Giác, Tượng đài Lý Thái Tổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Mô hình một góc hồ Hoàn Kiếm Hà Nội được các nghệ nhân tò he làng Xuân La thực hiện trong 1 tháng
Lễ hội có sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề, thực hiện trình diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại, gồm: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai), dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất); xương sừng Thuỵ Ứng, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); làm hương đen thôn Xá Cầu, áo dài Trạch Xá, nhạc cụ dân tộc (huyện Ứng Hòa)...
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nét mới của lễ hội năm nay là quy mô đơn giản hơn để bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch, song nhiều làng nghề đã đầu tư công phu, kỳ công với sự tham gia của nhiều nghệ nhân. Điển hình như làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên), có 18 nghệ nhân tham gia lễ hội, mang đến nhiều sản phẩm đặc sắc, phong phú như các mô hình quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội được làm bằng bột nặn.
Một góc tiểu cảnh được dựng mang màu sắc làng quê Hà Nội
Nghệ nhân Đặng Văn Khương, Phó Chủ tịch Hội làng nghề tò he Xuân La cho biết, để hoàn thành các mô hình kịp tham gia trưng bày tại lễ hội, các nghệ nhân phải cùng nhau làm trong 1 tháng, thực hiện nhiều công đoạn bảo quản cầu kỳ. Những mô hình này hiện đang được trưng bày tại Tượng đài Lý Thái Tổ đã thu hút nhiều người dân chiêm ngưỡng.
Tối 11/12, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2020 sẽ được khai mạc tại Tượng đài Lý Thái Tổ. Bên cạnh hoạt động trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội như: Xẩm, ca trù, múa rối, hát trống quân...
Theo Hà Nội mới