Chuỗi hoạt động “Tết Việt - Tết Phố 2021” sẽ diễn ra từ ngày 29/1-28/2. Chương trình do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; đề cao giá trị của ngôi đình và không gian văn hóa xung quanh ngôi đình.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, “Tết Việt - Tết Phố 2021” là chuỗi hoạt động văn hóa mừng Đảng - mừng Xuân 2021, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021). Chương trình sẽ được tổ chức tại các điểm di tích: đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, Ngôi Nhà Di sản - 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, giới thiệu các sản phẩm làng nghề tại không gian phố tranh bích họa Phùng Hưng…
Qua hoạt động “Tết Việt - Tết Phố 2021”, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội mong muốn giới trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; đặc biệt, nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây đồng thời là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.
“Tết Việt - Tết Phố 2021” là chuỗi hoạt động văn hóa mừng Đảng - mừng Xuân 2021, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021)
“Từ năm 2019, thành phố Hà Nội vinh dự là một trong các thành phố chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Tổ chức UNESCO đánh giá cao các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức. Vì lẽ đó, chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2021” phần lớn sẽ do cộng đồng thực hiện, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng vào công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị di sản. Đây là chương trình kết nối quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống Tết của ba miền: Bắc - Trung – Nam, với sự tham gia của các nghệ nhân đoàn nghệ thuật của Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng…” - bà Lan nhấn mạnh.
Theo đó, Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc vào ngày 6/2/2021 (tức 25 tháng Chạp). Buổi lễ có sự tham dự của các Ban, ngành Trung ương, thành phố cùng các Đại sứ, cán bộ ngoại giao các nước tại Hà Nội. Điểm nhấn của Lễ khai mạc là phỏng dựng Lễ cáo yết Thành hoàng.
Tại khuôn viên của đình Kim Ngân sẽ giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống với các nghi lễ tế thành hoàng làng, tế tổ nghề, rước lễ truyền thống; biểu diễn âm nhạc truyền thống (hát Cửa Đình). Đặc biệt, từ ngày 7-28/2, với chương trình “Xuân Heritage 2021”, du khách sẽ được tham gia các trò chơi dân gian bằng công nghệ thực tế ảo; trải nghiệm vẽ tranh phôi Đông Hồ dành cho thiếu nhi...
Từ ngày 16/1 đến ngày 28/2, trong khuôn viên Ngôi Nhà Di sản - 87 Mã Mây sẽ giới thiệu không gian đón Tết của gia đình Hà Nội.
Tại trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ sẽ khai mạc triển lãm, trưng bày một số hiện vật giới thiệu con giáp của năm Tân Sửu trong văn hóa Việt (29/1); tọa đàm chủ đề “Trâu trong đời sống người Việt” – giới thiệu hình ảnh con trâu trong văn hóa dân gian và trong các ứng dụng đương đại (30/1); biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (31/1); Biểu diễn giao lưu âm nhạc truyền thống chủ đề “Sắc xuân ba miền” (6/2).
Đặc biệt, chương trình “Xuân Heritage 2021” sẽ giới thiệu hành trình các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận; khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo (VR3D): thuyết minh, trải nghiệm 3D; trưng bày, giới thiệu tới công chúng và tạo không gian trải nghiệm các bộ cổ phục, cung thủ cổ của 1 số triều đại... Trong đó, đáng lưu ý là tọa đàm chủ đề “Xuyên không gian về văn hóa thời Lý – kiến trúc và biểu tượng” (20/2); tọa đàm chủ đề “9x với tình yêu di sản văn hóa” (28/2).
Tại Trung Tâm Thông Tin Di sản Phố cổ Hà Nội - 28 Hàng Buồm cũng diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu quy trình và một số sản phẩm tiêu biểu của ba dòng tranh dân gian Việt Nam: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng; giới thiệu về du lịch Phú Yên, triển lãm ảnh các điểm đến của di sản Phú Yên và Hà Nội (từ 2 - 28/2); giao lưu âm nhạc truyền thống của hai tỉnh Phú Yên và Hà Nội trong tuyến phố đi bộ mở rộng khu phố cổ Hà Nội.
Trong khuôn khổ của chương trình, Ban Tổ chức cũng phối hợp với các đơn vị giới thiệu về con giáp của năm - con trâu trên chất liệu sơn mài qua các sản phẩm thuần Việt; nói chuyện chuyên đề về âm nhạc Hà Nội xưa với chủ đề “Nửa thế kỷ nhạc xuân Hà Nội” (diễn giả: Nhà văn Nguyễn Trương Quý) tại 38 Hàng Đào (28/1)
Từ 29/1-10/2, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức trang trí, chiếu sáng không gian bích họa phố Phùng Hưng và chợ hoa Tết phố Hàng Lược. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết…; tổ chức diễn xướng dân gian: hát chèo, hát xẩm…
Theo Tạp chí Du lịch
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |