Du khách quốc tế tham quan di tích ở Việt Nam. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
2020 là năm được kỳ vọng là năm có nhiều chuyển biến tích cực của ngành du lịch, từ lượng sang chất, từ bề rộng sang bề sâu và một trong số các trọng điểm chiến lược thời gian tới là di sản.
Về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hanoi 2020, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan đến vấn đề này.
Một hội chợ du lịch khác biệt
- Xin ông cho biết vì sao ban tổ chức lại chọn “Di sản-Nguồn lực của du lịch Việt Nam” là chủ đề cho hội chợ VITM 2020 sẽ diễn ra từ 1-4/4?
Ông Vũ Thế Bình: “Di sản-Nguồn lực của du lịch Việt Nam” là chủ đề phù hợp với xu thế phát triển của du lịch. Vì Việt Nam là đất nước giàu di sản. Khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó luôn luôn là định hướng quan trọng của đất nước và du lịch cần phải nắm bắt được nội dung này. Sự khác biệt của du lịch Việt Nam với du lịch các nước cũng nằm ở chỗ chúng ta sở hữu nhiều di sản.
- Với chủ đề này, Hội chợ năm nay sẽ có những điểm gì nổi bật và khác biệt so với những lần trước, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình: Hội chợ 2020 là lần thứ 8 VITM được tổ chức và điều đặc biệt là năm nay Hội chợ đã được nâng tầm thành sự kiện du lịch quốc gia của năm, nên những hoạt động trong khuôn khổ sự kiện cũng hướng tới tầm quốc gia.
Những hoạt động cơ bản của Hội chợ ngoài cung cấp các gian hàng, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác với nhau, cung cấp sản phẩm cả cho khách hàng, cho các doanh nghiệp thì Hội chợ còn hướng tới tạo ra một diễn đàn du lịch rộng lớn bàn về tương lai và hiện tại của ngành du lịch.
Có thể điểm qua một vài diễn đàn như: Diễn đàn quốc gia “Di sản-Nguồn lực của du lịch Việt Nam;” Diễn đàn mở Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và cho những người yêu du lịch bàn về du lịch sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.
Du khách trên hành trình khám phá danh thắng Tràng An. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Hoạt động B2B sẽ giải quyết bài toán du lịch Việt Nam sẽ tiếp đón các thị trường khác như thế nào. Chúng ta đang tăng trưởng rất nhanh nhưng thị trường cũng cần thay đổi, hướng tới số lượng khách du lịch lớn nhưng cũng phải hướng tới thị trường có chất lượng cao và B2B sẽ đáp ứng yêu cầu này. Đặc biệt, Hội chợ năm nay sẽ đón một đoàn B2B rất lớn của Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ sang Việt Nam làm việc.
Chúng tôi còn có Lễ vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của ngành. Ở đây chúng ta hướng tới đội ngũ những người lao động trực tiếp làm nên thành công của ngành du lịch. Cần phải đánh giá, tôn vinh để động viên họ đóng góp nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa cho ngành.
Đặc biệt, chúng tôi còn có một hoạt động “Du lịch hướng tới tương lai” là Liên hoan tiểu phẩm sinh viên du lịch lần thứ II, một sân chơi để sinh viên ngành du lịch thể hiện tính sáng tạo, năng động của tuổi trẻ đối với những vấn đề thực tiễn.
Có thể nói những sự kiện của Hội chợ năm nay rất sôi nổi, và chia thành nhiều chuyên đề khác nhau. Chúng tôi hy vọng rằng Hội chợ VITM sẽ là diễn đàn mở và trở thành ngày hội mang tầm quốc gia của ngành du lịch Việt Nam.
Du khách quốc tế mua sắm các sản phẩm bạc thủ công ở Hội An. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Di sản: Hạt nhân hút khách quốc tế đến Việt Nam
- Diễn đàn “Di sản-Nguồn lực của du lịch Việt Nam” chắc hẳn sẽ có nhiều nội dung thú vị?
Ông Vũ Thế Bình: Làm sao để biến những tài nguyên ở một số vùng thành tài nguyên của du lịch. Như chúng ta thấy đấy, có những nơi chỉ sau một trận lũ quét cả làng bản biến mất, di sản thiên nhiên cũng sẽ bị biến mất dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Vậy các doanh nghiệp có sáng kiến gì, liệu chúng ta có thể trồng rừng cho du lịch được không, có thể tái tạo lại các tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động du lịch được không?
Chúng tôi muốn mở ra một diễn đàn mở để kêu gọi những ai có nhiều sáng kiến, ý tưởng hay và đặc biệt có nhiều thành công thời gian qua sẽ trình bày để lấy làm điểm sáng kinh nghiệm. Chúng ta phải tiến lên một cách bài bản, có lý luận, có kinh nghiệm và có cả phong trào cho cả ngành kinh tế lớn du lịch.
- Ban tổ chức kỳ vọng như thế nào vào sự kiện năm nay vì VITM 2020 đã được nâng tầm lên thành sự kiện du lịch quốc gia như ông vừa nói?
Ông Vũ Thế Bình: Ban tổ chức rất hy vọng, thứ nhất số lượng người tham gia sẽ là đông nhất trong các năm Hội chợ. Hiện tại số gian hàng của chúng tôi đã kín hơn 85% và chắc chắn sẽ không còn chỗ cho doanh nghiệp đăng ký thêm.
Thứ hai, hy vọng số lượng sự kiện diễn ra sẽ có chất lượng tốt nhất như tôi vừa nói ở trên. Việc tham gia của các quốc gia thì chúng tôi mong sẽ đạt được khoảng 25 quốc gia có gian hàng tại Hội chợ. Về phía các địa phương, chắc chắn đã có 45 địa phương đăng ký. Như vậy tầm vóc của Hội chợ sẽ lớn hơn rất nhiều.
Du khách quốc tế chọn quà lưu niệm là các mặt hàng thủ công Việt Nam. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
- Với chủ đề hướng tới du lịch di sản của Hội chợ, ông đánh giá thế nào về hoạt động của loại hình du lịch này ở Việt Nam?
Ông Vũ Thế Bình: Du lịch thì phải dựa vào tài nguyên để phát triển, mà di sản là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất Việt Nam.
Dân tộc ta vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, có những di sản đủ để hấp dẫn du khách. Nhưng vấn đề là chúng ta đưa những di sản đó vào sản phẩm du lịch như thế nào cho thích hợp, mang lại lợi ích cao nhất.
Chúng ta khai thác di sản nhưng phải gắn với bảo tồn nó. Nếu không có khai thác thì không thể làm tốt công tác bảo tồn được, nhưng hài hòa giữa hai công tác này bằng những công việc cụ thể như thế nào là kỳ vọng của chúng tôi.
Nói đến Việt Nam chúng ta sẽ nói đến những di sản. Vì thế Hội chợ VITM 2020 hướng tới nâng cao tầm của di sản trong hoạt động của du lịch và cũng vinh danh những di sản đó để trở thành những hạt nhân thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ở những di tích, di sản của Việt Nam vẫn thu hút rất đông du khách đến tham quan. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Xuân Mai/ Vietnam +