Chùa Cầu nổi tiếng của Hội An. Ảnh: vnexpress.net
Hội thảo do UBND TP. Hội An phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức vào ngày 3/12, nhân kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2019).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá, thảo luận những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hội An qua 20 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ quan ngại về những thách thức mà Khu phố cổ Hội An đang phải đối diện hiện nay như áp lực vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là các tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa và tình trạng biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, sự gia tăng lượng khách du lịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình… Mặt khác, tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi phản cảm… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, cũng như cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình…
Các đại biểu đề nghị TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để người dân thật sự trở thành chủ nhân của di sản. Đồng thời, cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản; tiếp tục triển khai các phương án nhằm gắn khai thác với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An.
Theo thống kê, mỗi năm Hội An đón khoảng 2,3 triệu lượt khách. Việc phát huy các giá trị di sản tại Hội An không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương mà còn là động lực chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Hội An.
Theo toquoc.vn