Khu Hậu cung, nơi ông Vậy thực hiện hành vi đào trộm
Theo đó, sau khi Văn Hóa có bài phản ánh “Di tích quốc gia đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu (Thanh Hóa): Đào phá hậu cung, nhiều cổ vật mất tích”, ngày 15.10 Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản số 3564/SVHTTDL - DSVH giao Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa kiểm tra, đề xuất phương án xử lý hành vi đào phá hậu cung và mất trộm hiện vật tại di tích quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu. Tiếp đó, ngày 18.10 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa phối hợp với Phòng VHTT huyện Hoàng Hóa đã tiến hành kiểm tra thực địa tại di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại gian hậu cung, phía dưới hương án ở gian giữa có một hố đào (rộng 67cm, dài 70cm) đã được lấp cát. Người tự đào bới gian hậu cung là ông Đỗ Xuân Vậy, người trông coi và bảo vệ di tích trước đó.
Đối với các hiện vật, cổ vật bị mất tại di tích, sau khi đối chiếu với hồ sơ lý lịch di tích được lập và ký duyệt ngày 5.6.1999, trong mục VI – các hiện vật trong di tích được thống kê so với thực tế đã phát hiện thiếu mất 3 hiện vật gồm: 1 bát hương đá; 2 biển thờ bằng gỗ có nội dung: “Thượng đẳng” và “Trung hiếu” có chiều cao 2,4m, rộng 0,35m. Việc mất 3 hiện vật là cổ vật này vào thời gian nào thì hiện tại địa phương cũng không xác định được cụ thể. Đoàn kiểm tra đề nghị địa phương xác định rõ nguồn gốc số cốc, bát, chén, đĩa… được nêu trong biên bản làm việc ngày 22.8.2019 của Ban quản lý di tích quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu.
Đối với những vấn đề vừa đề cập ở trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền yêu cầu UBND huyện Hoàng Hóa cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng đào bới trái phép tại di tích quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu và có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, tìm kiếm để trả lại cho di tích 3 hiện vật còn thiếu so với danh mục hiện vật được ghi trong lý lịch di tích quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu lập năm 2002, gồm: 1 bát hương đá; 2 biển thờ bằng gỗ có nội dung “Thượng đẳng” và “Trung hiếu”. Phối hợp với Sở VHTTDL và các cơ quan chuyên môn có liên quan xác định rõ nguồn gốc các hiện vật (cốc, bát, chén, đĩa…) được ghi trong biên bản ngày 22.8.2019 của Ban quản lý di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu, xã Hoàng Sơn.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chức năng, nhất là các cá nhân được giao quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật; rà soát, kiện toàn Ban quản lý di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu, xã Hoàng Sơn nói riêng và các di tích trên địa bàn huyện Hoàng Hóa nói chung, không để xảy ra tình trạng di tích không có người quản lý hoặc tổ chức, cá nhân tự quản lý mà không chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Giao Sở VHTTDL Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung nêu trên; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo baovanhoa.vn