Đó là vấn đề nổi trội tại hội thảo chủ đề "Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế" – thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, diễn ra tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ngày 25-11.
Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng cần phải có sự thay đổi, nỗ lực đồng bộ, học hỏi từ các nền điện ảnh tiên tiến xung quanh. Nếu cứ mãi vọng ngoại, lai căng, bắt chước, điện ảnh Việt không chỉ dần tụt hậu so với các nền điện ảnh khu vực mà còn đánh mất luôn cả chính mình.
Cảnh trong phim "Hai Phượng"
Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng nhận định: "Cái mới, cái lạ của đất nước Việt Nam trong phim hiện nay vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. Tác giả của những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng vét trong rương hòm những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới...".
Trong khi đó, PGS-TS Trần Thanh Hiệp – giảng viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho rằng phim Việt hiện tại mang đến sự giải trí bên ngoài nhưng cảm xúc tự hào dân tộc, hồn cốt quốc gia chưa có. Phim vui là chính, nhợt nhạt, thiếu bản sắc dân tộc và còn theo lối mòn những phim ăn khách nước ngoài. Điện ảnh Việt tụt hậu quan niệm hiểu biết sâu sắc về yếu tố giải trí, chỉ mới mô tả bề ngoài.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là phim nhà nước đặt hàng thành công nhất đến nay
Theo các đại biểu, xây dựng nét đặc trưng, lồng ghép bản sắc văn hóa, con người, đất nước trong điện ảnh Việt là nhiệm vụ cấp thiết của nhà nước. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm đầu tiên và cũng là đơn vị chức năng cao nhất hành động hợp lý, đưa ra giải pháp nhanh chóng giải quyết tình hình.
Minh Khuê/ nld.com.vn
Ảnh: Nhà phát hành + đoàn phim cung cấp