Doanh thu thụt lùi
Nếu những năm trước, Tết là thời điểm vàng để các bộ phim giành lấy lợi thế doanh thu thì năm nay tình hình không hề khả quan ở mặt bằng chung. Nhìn lại mùa phim Tết Việt 2019, các nhà sản xuất liên tục công bố doanh thu với những con số kỷ lục mang đến nhiều bất ngờ như “Cua lại vợ bầu”, và đến hết mùng 6 thu về hơn 105 tỷ, “Trạng Quỳnh” thu về hơn 70 tỷ, thì năm nay điều đó đã không diễn ra.
“Gái già lắm chiêu 3” được cho là bộ phim thành công nhất mùa Tết 2020
Chưa mùa tết nào có nhiều thuận lợi cho phim Việt như năm nay, vì những bộ phim ngoại nhập thưa vắng. Ở những mùa trước đây, nhiều nhà sản xuất từng lên tiếng vì phim Việt bị chèn ép trên chính sân nhà. Việc phải cạnh tranh với những phim ngoại nhập đình đám khiến phim Việt mất đi không ít cơ hội tiếp cận khán giả.
Có thể nói, hiếm có năm nào mà mùa phim tết lại mang đến nhiều kịch tính như mùa phim tết 2020. Ban đầu, chỉ có 2 phim công bố tham gia đường đua gồm "30 chưa phải Tết" (đạo diễn Quang Huy) và "Đôi mắt âm dương" (đạo diễn Nhất Trung). Tuy nhiên, sau đó cuộc đua trở nên sôi động hơn khi có thêm 4 phim ra rạp. Ngay trước tết không lâu, bộ phim "Gái già lắm chiêu 3" (đạo diễn Bảo Nhân - Namcito) quyết định đẩy lịch chiếu sớm lên 2 tuần (lịch phát hành cũ là 7/2). Thế “chân kiềng” lập tức được xác lập tạo nên cuộc đua giữa 3 nhà phát hành hàng đầu tại Việt Nam hiện nay: CGV, Galaxy và Lotte Cinema. BHD cũng quyết định tham gia thị trường phim tết muộn khi đẩy lịch chiếu "Bí mật của gió" (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) sớm hơn kế hoạch 1 tuần, chính thức ra mắt khán giả từ mùng 7 Tết (tức ngày 31/1). Hai dự án không mấy đình đám còn lại: "Tiền nhiều để làm gì" (đạo diễn Lưu Huỳnh) và "Bí mật đảo linh xà" (đạo diễn Diệp Thiên Hành, Nguyễn Duy Võ Ngọc).
Trong số đó, “Gái già lắm chiêu 3” được cho là thành công nhất. Theo đơn vị phát hành Lotte Cinema, chỉ riêng “Gái già lắm chiêu 3”, sau 6 ngày ra rạp, doanh thu đạt 102 tỷ đồng. Và đến nay, con số doanh thu phim đã xấp xỉ 165 tỷ đồng, đạt vào top 5 phim Việt có doanh thu nhanh nhất. Tuy nhiên, ngoài "Gái già lắm chiêu 3", hầu hết các phim khác đều chênh vênh về doanh thu. Theo thông tin của một số quản lý các cụm rạp chiếu phim, doanh thu phòng vé mùa Tết 2020 bị giảm sút so với cùng kỳ 2019, với chênh lệch có thể lên tới 20%.
Chất lượng phim giảm sút
Thực tế cho thấy doanh thu phòng vé năm nay sụt giảm đáng kể so với năm trước. Lý do nhiều nhất được đưa ra là bởi nhóm phim Tết vẫn sa đà vào các “lối mòn”, mô-típ phim không mới, diễn xuất còn đơ, chưa kể có những kịch bản lòng vòng, lê thê, thiếu logic.
“30 chưa phải là Tết” ngay từ đầu đã được truyền thông vượt trội hơn so với 2 phim còn lại. Loạt “sự cố” trong khâu kiểm định trước khi ra rạp cũng phần nào tăng sự thu hút của phim với khán giả. Tuy nhiên, sau bao sự chờ mong, “30 chưa phải là Tết” đã rơi vào danh sách phim tệ với kịch bản rắc rối, lòng vòng, thiếu logic. Yếu tố vòng lặp thời gian không những không tạo được điểm nhấn cho phim mà còn vẽ ra nhiều chi tiết thừa, kéo mạch phim lê thê. Diễn xuất của Trường Giang dù có sự thay đổi nhưng vẫn chưa lột tả hết cảm xúc của nhân vật.
Sau bao sự chờ đợi, “30 chưa phải là Tết” rơi vào danh sách phim tệ với kịch bản rắc rối, lòng vòng, thiếu logic
“Đôi mắt âm dương” - một ẩn số trên đường đua phim Tết năm nay cũng gây nhiều tiếc nuối. Diễn xuất của diễn viên cũng chỉ nằm ở mức trung bình mặc dù dàn diễn viên có khá nhiều kinh nghiệm. Điểm trừ lớn nhất phải kể đến là kịch bản. Bộ phim có quá nhiều chi tiết hài ở phần đầu và giữa đã vô tình làm loãng đi yếu tố kinh dị của phim. Cùng với đó là việc tháo gỡ nút thắt, vạch mặt kẻ phản diện cuối cùng dễ dàng đoán được, không còn là yếu tố bất ngờ, khiến khán giả hụt hẫng. Tuy nhiên, “Đôi mắt âm dương” lại làm khá tốt trong khâu dựng bối cảnh, khi phim vẽ nên đúng không khí rùng rợn của thể loại kinh dị.
Với “Gái già lắm chiêu 3”, đây được đánh giá là bộ phim có chất lượng ổn nhất trong mùa phim Tết năm nay. Thế nhưng ngay từ đầu “Gái già lắm chiêu 3” đã dính đến nghi án “đạo nhái” với “Con nhà siêu giàu châu Á”. Điều này đã phần nào làm giảm sút chất lượng vốn có của một bộ phim Việt. Nếu xét về tính chuyên môn hơn một chút thì màn thể hiện của những tên tuổi phòng vé này không tốt như đã được kỳ vọng. Trong khi những diễn viên gạo cội “cây đa cây đề” như NSND Hồng Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Việt Anh... vẫn xuất sắc như bình thường thì cả Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Thu Trang,... vẫn không có nhiều đột phá và mới mẻ đủ để hút khán giả đến rạp.
Thảm họa của phim Tết 2020 phải gọi tên “Tiền nhiều để làm gì?”, quy tụ dàn diễn viên giàu kinh nghiệm là vậy nhưng thành phẩm của đạo diễn Lưu Huỳnh chẳng khác nào một chuỗi tiểu phẩm hài ồn ào, kém duyên được chắp vá vụng về lại với nhau cho đủ thời lượng chiếu rạp.
Một năm trắc trở với điện ảnh Việt mùa Tết
Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng khán giả Việt, đặc biệt là giới trẻ, xem phim chỉ quan tâm đến diễn viên hoặc những câu chuyện ngoài lề, không quan trọng nội dung. Cách đây 2-3 năm, những tên tuổi như Thái Hòa, Hoài Linh, Trấn Thành hay Trường Giang còn được gắn với biệt danh “ông hoàng phòng vé”, bởi mỗi lần họ xuất hiện, dù bộ phim không mang nhiều giá trị nghệ thuật nhưng vẫn được khán giả đón nhận như một tác phẩm giải trí. Có thể nói đến “Siêu sao siêu ngố”, “Cua lại vợ bầu”, “Trạng Quỳnh”… đều đạt doanh thu cao ngất ngưởng.
"Đôi mắt âm dương" không mang lại sự bùng nổ như kỳ vọng
Tuy nhiên, trong năm 2019, điện ảnh Việt vẫn còn hạn chế về đề tài, không đồng bộ trong diễn xuất. Theo đó, những vấn đề nóng của xã hội ít được nhắc tới; phim thiếu nhi Việt Nam cũng gần như vắng bóng tại các phòng chiếu, cụm rạp. Nhiều khán giả cho rằng nếu các nhà biên kịch, nhà làm phim không sớm thay đổi tư duy mới mẻ, tiếp tục cho ra đời những tác phẩm nhàm, nhảm nhằm chạy theo lợi nhuận; thì họ sẽ bị công chúng chỉ trích và tẩy chay.
Một đạo diễn cho rằng, doanh thu của 5 phim chiếu rạp dịp Tết năm nay chỉ dừng ở mức khiêm tốn không hẳn vì đại dịch corona mà vì không có sự đột phá về hình thức lẫn nội dung nên không kéo được khán giả đến rạp.
Theo vị đạo diễn này, các câu chuyện được xây dựng trong các phim thể hiện sự lúng túng trong xử lý kịch bản và thiếu yếu tố đời sống. Các đạo diễn cố tình câu kéo bằng những yếu tố rùng rợn hoặc hài hước nhưng hoặc bị quá đà, hoặc làm chưa tới. Yếu tố rùng rợn trong “Đôi mắt âm dương” thậm chí mới chỉ khiến khán giả giật mình chứ chưa có sự ám ảnh, sợ hãi thật sự.
“Tóm lại, nếu loại trừ 2 bộ phim “Bí mật đảo Linh xà” và “Tiền nhiều để làm gì?” ra thì 3 phim còn lại vẫn chỉ ở mức trung bình. Sự khiên cưỡng, chắp vá và vụng về trong xử lý kịch bản khiến cho phim nào cũng có những hạt sạn to đùng. Ngoài ra, lối diễn của nhiều diễn viên trẻ vẫn bị ăn theo một lối mòn quen thuộc. Họ không có nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn nên lặp lại chính mình ở những vai trước đó. Đó là lý do mà những vai phụ của NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân… lại gây nhiều ấn tượng hơn là những vai chính”, vị đạo diễn này nói.