Văn hóa

Đoàn Tử Huyến - Một dịch giả tiêu biểu trong nền văn học dịch

17:20 - 24/11/2020
Đoàn Tử Huyến đã về miền mây trắng cùng các thế hệ tiền nhân, nhưng những trang sử về một nền văn học dịch mà ông góp phần vun đắp chắc chắn sẽ được tiếp tục được ghi chép.

Một số dịch phẩm và tác phẩm biên soạn của dịch giả Đoàn Tử Huyến được dịch giả Châu Hải Đường lưu giữ

Là một người thích đọc và hay giữ nhiều sách cũ, từ khi còn nhỏ tôi đã từng được đọc những tiểu thuyết Liên Xô qua bản dịch của dịch giả Đoàn Tử Huyến được in bởi nhà xuất bản Lao Động, ví như tiểu thuyết “Đường ray bạc” của V. Sivilikhin hay “Tê-ri-tô-ria” của Cu-vai-ép chẳng hạn. Sau này, tôi lần lượt được biết nhiều hơn những dịch phẩm nổi tiếng hơn của ông như: Trái Tim Chó, Nghệ nhân và Margarita …

Nhưng không chỉ là một người dịch văn học Nga đơn thuần. Tôi còn biết, ông cũng là một người viết sách với các bút danh khác như Nam Hồng, Huyền Li… Và từ khi còn đảm nhiệm vai trò phó tổng biên tập của Tạp Chí Văn học nước ngoài ông đã tập hợp được lực lượng đông đảo các dịch giả tham gia dịch thuật giới thiệu nhiều tác giả, tác phẩm nước ngoài. Đặc biệt sau khi Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây được ông thành lập, rất nhiều tác phẩm, dịch phẩm của đông đảo các nhà văn và dịch giả đã được ra đời.

Tuy là thế hệ sau, và không phải dịch tiếng Nga nói riêng, hay ngôn ngữ châu Âu nói chung, mà lại là một dịch giả Trung văn, Hán Nôm, nhưng qua tiếp xúc, tôi cũng thấy rất nhiều tác phẩm văn học cổ điển viết bằng Hán văn Việt Nam hay Trung Quốc được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây của ông ấn hành. 

Còn nhớ khi ấy bản thân còn chưa có nhiều dịch phẩm được in, nhưng tôi vẫn học theo “Mao Toại tự tiến”, mạnh dạn gửi mail cho ông, trình bày ý kiến cũng như ngỏ ý muốn giới thiệu một số tác phẩm. Dù chưa biết gì về tôi, nhưng Đoàn Tử Huyến vẫn hồi đáp một cách hồ hởi, và mời tôi tới gặp mặt nói chuyện. 

Tiếc rằng, sau đó, vì có thay đổi trong kế hoạch công việc riêng của bản thân nên tôi chưa cộng tác được với Trung tâm Đông Tây của ông. Dẫu vậy, ấn tượng về một con người thân thiện, sẵn sàng lắng nghe và tạo điều kiện cho người trẻ tuổi của ông vẫn in đậm trong tôi.

Tôi đặc biệt đánh giá cao cuốn sách “Những người dịch văn học Việt Nam” của Đoàn Tử Huyến biên soạn cùng Hoàng Thúy Toàn - cũng là một dịch giả tiền bối của nền văn học dịch Việt Nam - xuất bản năm 2002. Cuốn sách giống như một cuốn từ điển về các thế hệ dịch giả, cũng giống như một cuốn sử “Liệt truyện” ghi lại đại lược thông tin cũng như dịch phẩm của các thế hệ dịch giả, mà độc giả - đặc biệt là các dịch giả đương đại cũng như hậu đại cần biết để hiểu rõ hơn về các thế hệ tiền bối trong nghề dịch của mình, cũng như tìm tòi và học tập từ các tác phẩm của họ.

Đoàn Tử Huyến đã về miền mây trắng cùng các thế hệ tiền nhân, nhưng những trang sử về một nền văn học dịch mà ông góp phần vun đắp chắc chắn sẽ được tiếp tục được ghi chép, và trong đó không thể không in đậm tên tuổi của dịch giả tiêu biểu: Huyền Li - Đoàn Tử Huyến.

Theo VOV.VN